Một bài viết sâu sắc về đạo thầy trò của tác giả Lưu Minh Trung, học trò của danh sư Phùng Chí Cường, người sáng lập ra Trần Thức Tâm ý Hỗn nguyên Thái cực quyền . “Thầy của mình là nguồn gốc của mình, nơi mình bắt đầu, và học trò là dòng chảy của mình nơi mình kết thúc. Thầy luôn hiện hình trong quá khứ, hiện tại và tương lai của một đệ tử.”

THẦY VÀ TRÒ

Võ học xưa và nay có nhiều điểm khác biệt, người học nên tùy duyên phận mà tu dưỡng học tập, có những điều không thể muốn mà được, và có những điều không cầu mà có.

Tiền nhân học võ vì mưu sinh hoặc vì tìm thầy học đạo. Nếu vì mưu sinh thì võ thuật liên quan đến sinh mạng, nên việc truyền dạy và tu luyện đều cẩn mật, thầy không dễ nhận học trò, cũng không dễ truyền dạy bí quyết, vì dạy nhầm người là tạo nghiệp ác, nguy hiểm đến tính mạng người khác và chính bản thân mình. Nên học trò đã được thầy nhận thì cũng không chắc được học hết của thầy hoặc học được tinh túy của bản môn. Vì thế trong lịch sử võ thuật, một danh sư dạy bao nhiêu học trò nhưng cũng chỉ vài đệ tử thành tài lưu truyền môn phái hoặc mở ra những môn phái mới. Một phần vì trò không đủ duyên phận-đạo đức-năng lực, nhưng cũng một phần là thầy biết không nên truyền cho người đó, để bảo vệ bản môn và các môn đệ.

Thế nên việc nhận học trò và phân loại học trò rất được chú trọng, tùy người mà dạy, mỗi người một thiên bẩm, không phải dạy ai cũng một cách như nhau. Giáo trình giảng dạy cũng vậy, phân làm sơ-trung-cao, có huynh-đệ để dắt nhau và chế khắc. Tiền học rất cao (hơn học văn) để học trò nỗ lực và quý trọng thầy, nhưng cũng có trường hợp không có tiền mà thầy vẫn dạy vì trọng duyên phận, trọng nghĩa (thường nhưng đệ tử này sau được tâm truyền), và thầy cũng sẵn sàng bỏ học trò khi thấy học trò có tài mà không có đức. Rất nhiều cao thủ cả đời luyện công, công phu đại thành mà không có học trò, họ sống để bụng chết mang đi. Âu cũng là số phận, họ đã là những học trò giỏi nhưng không được làm thầy vì họ không gặp trò, đó là thân phận của những cao nhân mặc khách, ẩn dật lánh đời, một đời vui với gió mây, chẳng muốn ai biết đến mình.

Với người thầy cái quan trọng là thầy của mình và học trò của mình là ai? Thầy của mình là nguồn gốc của mình, nơi mình bắt đầu, và học trò là dòng chảy của mình nơi mình kết thúc. Thầy luôn hiện hình trong quá khứ, hiện tại và tương lai của một đệ tử.

Vì mưu sinh, thầy dạy võ hoặc làm bảo tiêu. Dạy võ đôi lúc còn nguy hiểm hơn bảo tiêu. Tiền nhân nói: “văn vô đệ nhất võ vô đệ nhị”. Nghĩa là văn khó mà so sánh được ai hơn ai, còn võ thì phải so bằng tỷ thí. Nên một người thầy khi đứng lên nhận học trò, lập võ đường là bắt đầu một cuộc đời chấp nhận tỷ thí, đối mặt với cái chết hoặc sự chê cười của giời võ thuật. Hiển nhiên là thầy thì không sợ những cái đó, nhưng nếu chết thì dòng võ đạo của thầy ngừng chảy. Danh sư thường ẩn dật tránh đời, nhất là khi công phu đáo thành, hoặc biệt tích khi truyền xong công phu cho một đệ tử nào đó. Trò có thể không nhận ra thầy, nhưng thầy luôn nhận ra trò, thầy xuất hiện đúng lúc trò cần, nhưng không phải lúc nào trò cũng tìm ra thầy. Có như thế thầy luôn giữ được đạo. Có như thế trò sau khi rời xa thầy thì mới càng thấm thía những gì đã được học, không còn thầy mà phải tự lập trên đôi chân của mình, hình ảnh của thầy luôn động viên và là nguồn cảm hứng cho học trò tu tập.

Khi người học trò đứng được lên vai thầy thì môn phái mới ra đời. Vì thế trong võ thuật, quyền thức có vị trí tối trọng, là mẫu. Mẹ sinh ra con, không có mẹ thì không có gì. Xưa nay phép truyền võ là truyền quyền, tức là học võ mà không học quyền thì coi như chưa học. Dựa vào quyền thức mà thầy truyền dạy tất cả công pháp-công dụng-bí quyết của môn phái, mọi thứ dấu trong quyền, ẩn trong chiêu thức. Đây chính là điều đánh giá sở học của thầy và làm căn cứ đánh giá học trò được học tới đâu. Quyền là bí quyết truyền thụ của thầy, là tâm điểm của môn phái. Các môn phái ra đời sau là dựa theo sở trường sở đoản của thầy mà thay đổi quyền thức, còn phép luyện công cơ bản là như nhau. Luyện công xưa nay không ngoài nội công và ngoại công. Luyện ngoại công thì nội gia và ngoại gia cơ bản không khác nhau nhiều, nhưng luyện nội công thì có chỗ phân biệt. Ngoại gia lấy cương kình, còn nội gia lấy nhu kình làm mục đích. Tiêu biểu hai phép luyện này là ngoại gia (Thiếu lâm phái) dùng dịch cân kinh-tẩy tủy kinh làm phép tập, nội gia (Võ đang phái) dùng đan điền công-hỗn nguyên công làm phép tập. Phối hợp hài hòa hai phép tập nội công này là con đường của các danh sư. Thông qua giao thủ với thầy mà trò học tâm pháp của thầy, đây là mấu trốt trong phép truyền thụ tinh hoa võ học. Công phu của thầy sẽ thể hiện hoặc dấu đi trong lúc giao tay với trò, nếu trò chỉ học quyền mà không được giao tay với thầy thì coi như mới học cái vỏ, không thể hiểu được quyền sẽ được dùng như thế nào, luyện ra sao? Trong lúc giao thủ, nhiều điều thầy truyền cho mà không thể nói lên hoặc viết ra được, đó là tâm truyền, chân truyền. Truyền thụ võ công luôn gồm 3 nội dung là Quyền phổ (quyền, kiếm, đao, côn, thương, tiêu…), Thôi thủ (tán thủ), Khí công (nội công và ngoại công). Chỉ là đệ tử truyền nhân mới được học thôi thủ, học xong thôi thủ thì quyền thức sẽ được trò luyện theo cách khác lúc ban đầu được học, lúc này là quyền thức bắt đầu là của chính mình, thể và dụng của quyền thức dần dần hiện hình trong tâm thức kẻ hậu học. Nhưng như thế chưa đủ, vì không học khí công thì quyền thức và thôi thủ vẫn không có căn bản, học xong khí công người học trò mới hiểu ra y võ là một, võ không y như cây không gốc. Học võ không học y thì không biết giá trị của “dưỡng”, không biết dưỡng thì võ không trưởng. Sau này khi hiểu đạo người học trò mới thấy y là cầu nối giữa võ và đạo, không học y thì đạo không chân thực. Đạo học mênh mông, võ học thâm sâu đến đâu là nhờ hiểu biết y học đến mức nào.

Không nên phán xét môn phái nào hơn môn phái nào, quan trọng là cơ duyên và tâm pháp của thầy-trò. Thầy có trách nhiệm chỉ con đường chính đạo, còn đi là người học trò tự mà đi, ngã thì tự đứng dậy. Vì thế người học trò không thể đòi hỏi nhiều ở người thầy được, học nhiều hay ít là ở duyên phận, luyện thành hay không là do bản thân.

Làm thầy quan trọng phải khiêm tốn, vì thầy biết sâu hiểu rộng nên biết rằng, ngoài núi này còn có núi khác cao hơn. Thầy phải truyền đức khiêm tốn đó cho trò vì điều đó quyết định tới sự an nguy của trò sau này. Khiêm tốn không có nghĩa là tự ti mà là sự hiểu biết tới tận cùng của võ đạo, hiểu giá trị của công phu tu dưỡng. Vì người thầy biết không gì đối phó được một trái tim hận thù, cách tốt nhất là tránh xa, và ẩn dật là phương cách tốt nhất. Ẩn dật xưa nay là nép đẹp của trí thức phương Đông, xấu xa lộ ra, tốt đẹp che lại. Vì xấu nên không bị ghen ghét, mà tốt thì luôn giữ lại được. Vì thế mà Thầy rất hạn chế để lộ công phu, tránh tỉ thí. Vì đánh được người này thì sẽ có người khác muốn gặp, không đánh được thì trò không phục. Vậy lúc nào thì ra tay? Do duyên phận mà quả nghiệp hiện ra, nhân nào quả đấy, cái ác tự nó nhận lấy kết cục của nó. Lúc đó vì thuận đạo, hợp cảnh, mà công phu phút chốc phát lộ. Nó như bông mai nở trong tiết xuân sau một đêm mưa lạnh, như cánh đào phai rời cành trước một cơn gió lạ, không do dự, không gượng ép và tất nhiên không có sự sợ hãi tồn tại trong tâm người thầy.

Học võ như cầu đạo, không thể cưỡng ép được. Cái gì đến sẽ đến và đi sẽ đi, như công phu sẽ đến với trò khi trò mở rộng tâm để đón nhận, khi trò khổ công để tu luyện. Đó là tâm-thân cùng tu, không do phóng túng tâm tưởng, không do đầy đọa thân thể mà đạt được. Thân động trước rồi tâm động theo, tâm tĩnh thì thân tĩnh, tâm tĩnh để điều thân và thân tĩnh để an tâm. Ngộ là kết quả của thân động đến cực thì tâm tĩnh bắt đầu. Tâm tĩnh thì thần minh hiện ra, soi sáng muôn vật. Vậy nên khổ công luyện tập là sự bắt đầu của một võ thuật gia, bắt đầu là luyện thân và kết thúc là luyện tâm. Thầy căn cứ thái độ cầu học, tinh thần khổ luyện và tâm đạo của trò mà thầy truyền dạy. Trò càng hư không trống rỗng thì thầy rót vào càng nhiều, nên trò càng ít dục vọng thì càng học được nhiều. Thầy đắc đạo có tâm hư tĩnh. Hư tĩnh trong diện mạo cũng như quyền thuật, vì hư nên không thấy đáy, vì tĩnh nên biến hóa vô cùng. Trò theo đó mà khiêm tốn nhẫn nại, dưỡng tâm cầu đạo.

Thầy là đạo, trò tìm thầy là tìm đạo. Võ thuật chỉ là phương tiện, là cầu nối giữa thầy và trò. Tiền nhân học võ không phải chỉ vì mưu sinh mà còn vì thông qua võ để tiếp cận với đạo. Kẻ học võ để mưu sinh, khi công phu đáo thành cũng hợp đạo. Đạt đạo thì võ thuật mới đến đỉnh, không đạt đạo thì võ thuật chỉ là chuyện tay chân mà thôi. Đạo không phải là sự tưởng tượng trong tâm thức mà là sự giản hóa tuyết đối hình thức, sự quay về gốc của mọi quá trình, là sự bắt đầu cũng như kết thúc. Nên đạo tính chân không, hư tĩnh, giản phác, phổ biến và biến hóa. Không đâu không có, có cũng như không, không can thiệp mà có tác dụng, lúc ẩn lúc hiện, đi kịp thời và đến đúng lúc, nên có đạo thì không nguy khốn vì không bất cập thái quá, không cạn vì hư không, luôn biến hóa vì hư tĩnh, vô sinh vô diệt nên trường tồn. Thế nên chân võ thuật thì không có điểm dừng, khi trò cảm thấy công phu đã thành thì là lúc thầy hiện ra và chỉ rõ đó là một sự bắt đầu mới. Cứ như thế mà thầy và trò luôn đi trên con đường học đạo, thầy đi trước vì biết đường, trò đi theo vì kính thầy. Khi trò đi ngang với thầy thì thầy sẽ dắt trò đến một người thầy khác, để đảm bảo trò luôn được đi đúng đường, đó là chân sư (người thầy chân chính). Vì thế các danh sư thường học với nhiều người thầy hoặc theo nhiều môn phái. Khi thành thấy thì trong tâm chỉ còn một người thầy và một môn phái mà thôi. Nên khi lập môn đứng võ đường, thầy thờ bản môn và sư phụ của mình. Sư phụ là người truyền môn phái đến cho mình, các người thầy khác giúp ta hiểu rõ hơn về sư phụ, các môn phái khác giúp ta hiểu rõ hơn về bản môn. Thế nên gặp được chân sư là phúc phận, gặp được là nhờ duyên, học được là nhờ phúc. Gặp rồi mà không biết tức là không có duyên, có duyên mà không học được là không có phúc.

Là chân sư, thầy không bao giờ phô diễn tài năng và bắt người khác học của mình, vì thầy biết việc tu tập không phải là việc cưỡng ép được, thầy trò gặp nhau là duyên tiền định. Thầy không ngừng tu tập, kể cả khi đã có học trò, thế nên có hay không có học trò thì việc tu luyện võ công vẫn diễn ra hàng ngày như hít thở và suy nghĩ vậy. Khi thầy có trò thì con đường tu thêm một người đồng hành, niềm vui nhân lên và trách nhiệm nhiều hơn. Thầy cứ đi mà đợi học trò xuất hiện, thầy luôn nhận ra ngay người học trò của mình hoặc không phải đệ tử của mình từ cái nhìn đầu tiên. Bởi vì quá trình tu tập thầy phải dọn dẹp và hiểu mình, thầy biết để tập luyện môn phái này cần phải có những đức tính gì, cơ duyên tới đâu…Nên thầy để trò tìm mình mà mình không tìm trò.

Con đường đến với đạo không bao giờ bằng phẳng với bất cứ ai, vị thầy đạt đạo là những người có cuộc đời đặc biệt hơn người thường, thông thường thì các vị thầy này luôn có một tuổi thơ khó khăn, hoặc truyền thống gia đình, hoặc căn tu rất chắc chắn. Vì thế thầy hiểu võ tuy là tiểu đạo nhưng chứa chính đạo trong đó, cuộc đời vất vả khó khăn là thử thách cho kẻ luyện võ. Sống mà cầu sung sướng thì võ học không bao giờ đạt đỉnh cao cả. Người thầy cho học trò thấy điều đó, như bông mai trắng nở trong nắng xuân trên gốc mai khẳng khiu khi vừa trải qua một mùa đông giá lạnh, khiêm tốn, giản dị, ẩn tàng sức sống mãnh liệt mà không phô trương. Thầy và trò đối đãi nhau không phải lấy tiền bạc làm mục đích, vì bỏ ra nhiều tiền, thầy truyền dạy hết thì người trò cũng chưa chắc học được. Thế nên khi biết duyên phận của trò không đủ thì thầy sẽ dừng lại, như rót nước vào ly vậy, đầy rồi thì không rót nữa. Thế nên người thầy giỏi là người biết nhận ra đâu là chiếc ly lớn và luôn biết cách làm sao chiếc ly đó không được đầy, vì đầy rồi thì sở học dừng lại. Thầy cũng vậy, thầy luôn là dòng sông sâu và không bao giờ cạn nước, nguồn càng cao thì càng chảy siết, chảy ra biển lớn nên không bao giờ tù đục, hòa công đức với trời đất.

Trò trả ơn thầy không phải bằng vật chất hoặc tình cảm. Thầy là người tu đạo, nên buồn vui là đạo, được mất là đạo. Thầy cần trò sống đúng đạo, nối được dòng chảy của mình, tiếp tục truyền thừa môn phái. Vì thế nếu trò cần ra đi để tiếp tục việc tu đạo của mình thì thầy sẽ không bao giờ giữ, ngược lại thầy biết lúc nào trò nên ra đi và chủ động chia tay trò. Thầy hiểu tâm người trò, nếu tâm trò không dừng lại ở sở học của thầy thì thầy nên để trò đi tìm người thầy giỏi hơn, vì đó là hợp đạo lý. Người trò đi mãi và học nhiều người thầy khác, cuối cùng trò sẽ tìm được người thầy trong tâm mình. Trò luôn có một người thầy, không có thầy thì không có gì cả, người ta không thể học đạo mà không có thầy, kể cả sư tổ.

Võ học uyên thâm, hiện hữu trong mọi mặt của đời sống thiên nhiên và xã hội, trong đối nhân xử thế tiếp vật của một võ đức. Vì thế đánh giá một võ thuật gia là đánh giá một đạo đức. Một người thầy mà tham sống sợ chết, ham thú vui thân-tâm, liên lụy danh-lợi thì không được gọi là võ đức cao thượng được. Thầy không có võ đức thì trò cũng không có được. Ngày nay người ta hiểu rằng võ đức là học võ nhưng không đánh người, không làm điều ác, khỏe mạnh và yêu đời, làm nhiều việc thiện. Như thế chưa đủ. Võ đức trước hết phải đứng trên võ đạo, tức là nhập đạo mà hành võ. Ngày nay, đa phần người học không nhập đạo để học võ, cũng không luyện võ đến lúc kiến đạo và nhập đạo. Kẻ tự xưng nhập đạo thì võ công chưa đạt, võ học chưa thông đó là giả đạo. Kẻ tự xưng là hành võ thì đạo học không tường, đạo đức chưa hay đó là giả võ. Cả hai đều hình thức, chìm đắm trong vọng tưởng để mưu cầu danh-lợi.

Ngày nay, nếu là bậc chân tu thì sẽ chọn con đường ẩn dật trốn đời. Người gọi là thầy thường không phải chân sư. Võ học ngày nay đang biến hình thành môn tập thể dục dưỡng sinh hoặc làm phương tiện tự vệ. Đứng ở góc độ tự vệ thì võ học truyền thống không đáp ứng được nữa vì phương tiện sát thương đã rất phong phú đa dạng lại thêm dục tâm càng ngày càng khó kiểm soát. Vậy học võ để tự vệ là không đủ, tự vệ phải dựa vào sự hiểu biết, biết người biết ta và quan trọng là tâm tu. Một tâm đức lành lặn, một hành xử có đạo thì không lo việc phải tự vệ. Đó là cách tự vệ tốt nhất.

Học võ để cầu đạo là nhu cầu người đời nay trong bối cảnh đạo đức suy đổi và nhân cách bị vật chất hóa. Thực giả lẫn lộn vì đời nay vô đạo, đó là hậu quả tất yếu của một xã hội có khoa học phát triển, vật chất dư thừa. Người ta có nhiều phương tiện để đạt được mục đích sao cho nhanh nhất. Nên con đường tu dưỡng đạo đức không phải là nhu cầu thiết yếu, nó chỉ là phấn son và áo mũ cho những kẻ có tiền và nhàn rỗi. Một kẻ gọi là có học hay có tiền thích một bề ngoài mang màu sắc đạo đức kiểu truyền thống, vì nó thanh tao, cao thượng ngược lại với những sắc màu tầm thường trong xã hội bây giờ. Họ nghĩ rằng, có học mà có đạo thì sở học cao hơn và có tiền mà giản dị khiêm tốn là có đạo đức. Tất cả đều là vọng tâm tưởng, chấp ngã và xa rời chân đạo.

Nên ngày nay thầy không ra thầy thì trách gì trò không ra trò. Thầy dạy trò mà mười năm vẫn học, trò luôn đứng dưới thầy. Thầy cố ép trò học hi vọng năm tháng sẽ đúc ra một người trò giống thầy, nhưng thầy có thành đạo đâu mà bắt trò như vậy. Thực tế là trò học lâu thì thầy nhiều tiền và nhiều học trò đến với mình. Thầy có danh và lợi do học trò đông và ở lâu với mình. Đây là điều các chân sư ngày xưa không mong muốn, họ lập công đức xong là ra đi mà không nhận phần thưởng, không cần ai biết hay đánh giá. Thế nên truyền võ đạo rất nhanh và ra đi ngay khi chưa có danh. Nên phần lớn trò khi thành đạo hiểu được thầy thì không tìm được thầy nữa. Cách truyền võ công truyền thống này giúp võ học được truyền đến ngày nay và luôn tươi mới, đa dạng nhiều màu sắc.

Ngày nay việc truyền quyền đều không chân thật. Do thầy học không đến nơi, hoặc do thầy sửa lại nên hình quyền không chân như ban đầu, cùng với đó ý quyền cũng không rõ ràng mà học trò được học quyền mà không học ý hoặc học ý mà không học quyền. Thêm vào đó, thầy tập chưa đến nơi nên chưa đạt, vì chưa đạt nên không dám truyền hoặc có truyền thì chưa đủ. Môn phái không rõ ràng, gốc chưa rõ thì ngọn không thành. Cứ như thế thầy và trò như hai người mù đi sờ voi, nếu trò nói to hơn thầy thì bị mắng là vô phép, nếu thầy nói sai thì trò không biết hỏi ai. Đó là lỗi của thầy. Trò ngày nay học võ nhưng không thực sự cầu học. Học võ mà không đọc sách, không biết lý luận và lịch sử của môn phái mình đang học. Trò ngày nay chuộng danh xưng, nên thích tông phái này nọ, thích lên mạng quay phim, xem hình, đấu khẩu. Càng nhiều tạp niệm thì càng khó học, càng nhiều thông tin thì không biết đâu là gốc. Loạn trí thì loạn thần, tâm không yên thì niềm tin không có. Đức tin là nền tảng cho bất cứ một ai mang tâm đi tu tập, không có đức tin thì đứng vào đâu, dựa vào chỗ nào để thực hành. Trò không tin vào bản môn, không tin thầy thì học tập làm gì? Nếu có tin thì hiểu thế nào về thầy và môn phái? Không tin nhưng vẫn học, vì không bỏ được danh và lợi. Không xả kỷ thì làm sao nhập đạo được? Vậy là trò không Chính nên thầy cũng không cần Chân. Thật khó để tìm thầy giỏi trong hoàn cảnh ngày nay phải không? Đúng mà không! Thầy giỏi như ngày xưa thì không có, nhưng giỏi ở một phần nhỏ nào đó thì vẫn có thể tìm được. Trò không vì thế mà coi thường thầy, thầy cũng như mình, là sản phẩm của một xã hội đang chuyển động đa chiều, khắt khe với thầy thì không ai dạy mình nữa. Lịch sử chứng minh, trò thành đạt là nhờ thầy và thầy thành danh là nhờ trò. Thầy và trò như âm và dương, không thể độc lập tồn tại được mà phải giao hòa để chuyển hóa cho nhau, trợ nhau phát triển.

Thầy tôi có nói “giáo nhân tự trưởng”, tức là dạy người thì mình sẽ trưởng thành. Tôi tin danh sư nào cũng có học trò rất giỏi, nhờ có học trò giỏi nên khi dạy, chính người học trò đó đã gián tiếp dạy lại mình. Thế nên thầy và trò chỉ là hai tên gọi mà thôi, nhiều khi thầy còn biết ơn trò, cảm ơn Trời Phật cho mình một học trò xuất sắc, nên thầy coi trò như con mà gọi là Đệ tử, chữ tử trong chữ tử tôn. Vì được làm con nên trò gọi thầy là Sư phụ, chữ phụ trong chữ phụ mẫu.

Nhớ ơn Thầy!

Đông Anh, mùa xuân Ất Mùi, 2015.

Lưu Minh Trung, trần thức tâm ý hỗn nguyên thái cực quyền đệ tam đại truyền nhân.

Nguồn: facebook Dương Minh Tuấn