Họ Phạm ở miền núi Ấn sông Trà

Lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam có những vấn đề mà nếu chỉ dựa vào hệ thống thư tịch chính thống thì không thể làm rõ được. Thế nhưng những vấn đề này lại được ghi được kể rất đầy đủ trong dòng sử dân gian truyền từ đời này qua đời khác. Trường hợp lịch sử nước Lâm Ấp là một điển hình.
Tìm hiểu về nước Lâm Ấp hãy xem Gia phả Phạm Công tộc tại Mộ Đức – Quảng Ngãi. Thông tin được chép trong tộc phả họ Phạm chỉ bao gồm 3 khổ chữ ngắn ngủi nhưng đã cung cấp những dữ liệu cực kỳ quan trọng, là chìa khóa mở cánh cửa tìm lại lịch sử cả ngàn năm của quốc gia Lâm Ấp – Nam Chiếu. Xin dẫn nguyên văn phần lịch sử họ Phạm Đằng Trong trong bản gia phả này:
Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung bộ ngày nay.
Sau khi Triệu Đà chống lại nhà Nam Hán, lập nên nước Nam Việt (207 TCN) sáp nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt và thu gom cả đất Nam Hà (xứ Lâm ấp). Chỉ đến khi nhà Hán xâm chiếm lại Nam Việt, nhà Triệu bị diệt vong (111 T CN) thì họ Lý xưng vương xứ Lâm ấp. Mãi đến đời Lý Khu Kiên mất, họ Phạm kế vị với 19 đời vua trải qua gần 500 năm (140-605), đóng đô tại thành Châu Sa (xã Tịnh Châu huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Đến đời vua họ Phạm thứ 19 là Phạm Chí bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương bất ngờ đột kích, cướp phá đô thành Châu Sa, vơ vét của cải, châu báu cùng 18 pho tượng vàng của 18 vua họ Phạm, khiến Phạm Chí và con là Phạm Trung chạy ra các vùng hải đảo quanh đảo Côn Lôn để cầu cứu, được 3, 4 vạn viện binh về cùng Mai Thúc Loan và cha con Phùng Hưng, Phùng An, diệt được quan quân nhà Đường và lập Mai Thúc Loan làm Bố Cái Đại vương, tức Mai Hắc đế (766).
Thấy xứ Lâm ấp phải lo chống đối với nhà Đường ở phía Bắc, nên thừa cơ hội này, người Chà Và (Java, Inđônêxia ngày nay) gồm các bộ tộc Dừa và bộ tộc Cau kéo sang xâm chiếm xứ Lâm Ấp và lập nên Vương quốc Chiêm Thành vào năm 705. Phạm Chính, con của Phạm Trung, cháu nội của Phạm Chí, khi thất bại trở về, đành phải chịu nhận vùng đất quanh thành Châu Sa làm xứ tự trị của dòng họ Phạm. Hiện nay, tại núi An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn , còn có đền thờ vị Triệu tổ họ Phạm là Đại lang Phạm Duy Hinh.

Những dòng gia phả họ Phạm ở trên đã chịu không ít chỉ trích về tính xác thực của nó do những thông tin đưa ra về xứ Lâm Ấp hoàn toàn không giống với chính sử hiện này về quốc gia gọi là tiền thân nước Chiêm Thành này. Họ Phạm ở Quảng Ngãi đã “nhận vơ” nguồn gốc của mình, hay đã chép nhầm do thiếu hiểu biết? Tất cả đều không phải. Thông tin của gia phả họ Phạm cực kỳ chính xác, chính xác đến bất ngờ. Xin lần theo câu chuyện họ Phạm bắt đầu từ đất Đằng Châu, Hưng Yên.

VỊ THẦN Ở ĐẰNG CHÂU
Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh…
Truyền thuyết xứ Đằng Châu được nhắc đến trong Việt điện u linh kể về một vị thần đã hiển linh trước Lê Long Đĩnh làm nửa sông mưa, nửa sông tạnh, rồi lại báo mộng đế vương… Long Đĩnh sau khi lên ngôi mới thăng Đằng Châu làm Thái Bình Phủ, phong thần làm Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương. Đền Đằng Châu ở Kim Động (nay thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) còn gọi là đền Vua Mây, thờ sứ quân Phạm Phòng Ất (Phạm Bạch Hổ), tương truyền là một trong 12 sứ quân thời Đinh Tiên Hoàng.

Dang ChauĐền thờ vua Mây ở Kim Động, Hưng Yên.

Lĩnh Nam chích quái thay cho Lê Long Đĩnh đã ghi là Lý Công Uẩn lúc chưa lên ngôi có thực ấp ở Đằng Châu và thần Đằng đã hiển linh trước vua Lý. Sự khác biệt nhân vật với Việt điện u linh này có lẽ là do nếu tính từ loạn 12 sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh tới Lê Long Đĩnh thì mới chỉ có hơn chục năm, khó có thể một sứ quân, tướng của Đinh Bộ Lĩnh lại kịp “hóa thần” hiển linh cả một vùng như vậy.
Trong đền vua Mây ở Hưng Yên có câu đối:
伯主雄圖十二山河輿古壘
神髙靈氣半分星雨此前江
Bá chủ hùng đồ, thập nhị sơn hà dư cổ lũy
Thần cao linh khí, bán phân tinh vũ thử tiền giang.

Dịch:
Xưng bá đất anh hùng, mười hai non nước nơi thành cũ
Danh thần hiện linh khí, nửa phần mưa nắng chốn sông này.

Đối chiếu gia phả họ Phạm: Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung bộ ngày nay…
Việc Lý Thành, con Lý Thân cùng với Phạm Duy Hinh, con Phạm Duy Minh trấn thủ đất Nam Hà cho thấy vị thần xứ Đằng Châu không phải xuất phát vào thời Đinh – Lê – Lý sau này, mà có nguồn gốc từ tận thời Tần, thời của Lý Ông Trọng làm phò mã nhà Tần. Phạm Duy Minh ở Đằng Châu như vậy chính là vị thần Đằng hay vua Mây được kể đến trong Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái.
Lý Thành thay Lý Ông Trọng cai quản vùng rừng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, trong tộc phả họ Phạm gọi là “Ái Châu”. Phạm Duy Hinh tiếp nghiệp cha, cai quản vùng duyên hải ven biển miền Trung, gọi là xứ Lâm Ấp.
Nam Tề thư, Man – Đông Nam Di chép: Nam Di – nước Lâm Ấp ở phía Nam Giao Châu, đi đường biển 3.000 dặm. Phía bắc liền với Cửu Đức. Đó là huyện Lâm Ấp cũ thời Tần…
Các nhà nghiên cứu đặt dấu hỏi, thế nào mà nước Lâm Ấp lại là “huyện Lâm Ấp cũ thời Tần” được?
Ghi chép này của Nam Tề thư hoàn toàn đúng. Biên giới phía Nam của nhà Tần khi thống nhất lục quốc đã tới miền Bắc Hộ (miền nhà cửa quay về phía Bắc). Khu vực Nam Trung Bộ ngày nay nằm trong quận Lang Gia thời Tần, đã được gọi là đất Lâm Ấp.

THÀNH CHÂU SA
Tộc phả họ Phạm tiếp: Sau khi Triệu Đà chống lại nhà Nam Hán, lập nên nước Nam Việt (207 trc CN) sáp nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt và thu gom cả đất Nam Hà (xứ Lâm ấp). Chỉ đến khi nhà Hán xâm chiếm lại Nam Việt, nhà Triệu bị diệt vong (111 trc CN) thì họ Lý xưng vương xứ Lâm ấp. Mãi đến đời Lý Khu Kiên mất, họ Phạm kế vị với 19 đời vua trải qua gần 500 năm (140-605), đóng đô tại thành Châu Sa (xã Tịnh Châu huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi ngày nay).
Đến đời vua họ Phạm thứ 19 là Phạm Chí bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương bất ngờ đột kích, cướp phá đô thành Châu Sa, vơ vét của cải , châu báu cùng 18 pho tượng vàng của 18 vua họ Phạm,
Thông tin vị vua lập nước Lâm Ấp đầu tiên vào thời Đông Hán là Lý Khu Kiên = Khu Liên đã cho thấy Khu Liên mang họ Lý, chính là Lý Bí, người đã “quay về phương Nam mà xưng cô, khởi mở đất Lâm Ấp” (“Nam diện ung dung, thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa”) như trong câu đối ở đình Giang (Viên Nội, Ứng Hòa, Hà Nội).
Khu Liên mất, họ Phạm kế vị tại xứ Lâm Ấp và đóng đô tại thành Châu Sa, nay là huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một thông tin rất giá trị. Các chuyên gia văn hóa lịch sử Chăm hiện không xác định được kinh đô của Lâm Ấp nằm ở đâu. Chỉ biết dưới thời Phạm Dương Mại thứ sử Giao Châu Đàn Hòa Chi và Chấn Vũ tướng quân Tông Xác của nhà Tiền Tống đã đánh được thành Khu Túc, tiền đồn phía bắc của Lâm Ấp, rồi tiến vào Tượng Phố, phá cung thất của vua Lâm Ấp. Người thì cho rằng quốc đô Sư tử của Lâm Ấp là thành Trà Kiệu ở Quảng Nam. Nhưng ở Trà Kiệu chỉ có các vết tích của thời kỳ muộn hơn của vương quốc Chiêm Thành, chứ không có vết tích rõ ràng các thành trì của thời Lâm Ấp.
Theo Tùy thư, Liệt truyện 18, Lưu Phương thì từ Khu Túc tới kinh đô Lâm Ấp phải đi mất 8 ngày. Các học giả ước tính khoảng cách từ Khu Túc tới quốc đô Lâm Ấp như vậy ở vào quãng 300km. Dựa trên tính toán bóng nắng ghi trong thư tịch thành Khu Túc được xác định nằm ở khoảng giữa Quảng Trị. Từ giữa đất Quảng trị thêm 300km nữa về phía Nam chính là vị trí của thành Châu Sa ở Quảng Ngãi, chứ không phải Trà Kiệu ở Quảng Nam. Châu Sa ở trên đất Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, rõ ràng là Tượng Phố thời trước vì Tịnh = Tượng.
Chau SaDi tích thành Châu Sa tới nay vẫn còn, được mô tả theo tư liệu của Bảo tàng Quảng Ngãi như sau.
Thành Châu Sa (còn có tên là thành Hời) nằm về phía bắc hạ lưu sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh Châu (huyện Sơn Tịnh), phía đông thành giáp xã Tịnh Thiện, phía bắc giáp núi Đồng Dinh, phía nam giáp sông Trà Khúc và phía tây nam giáp núi bàn cờ.
Thành gồm có hai vòng thành chạy theo trục chính Bắc – Nam. Thành nội có bình đồ chữ nhật nối liền với thành ngoại có bình đồ hình càng cua không khép kín. Thành nội có cạnh dài là đoạn chạy theo hướng Đông Tây dài 550m, cạnh ngắn chạy theo trục Bắc Nam dài 540m.
Quanh thành có hào nước rộng 20-25m. Thành nội mở 5 cửa đông, bắc, tây, nam và tây nam. Các cửa đông, nam và tây nam đều có công trình kiến trúc bằng gạch nhô lên cao, có thể là những vọng lâu. Quan sát cửa nam, nơi được đào đắp, gia cố công phu hơn các cổng thành còn lại, trong tổng thể khu thành và địa hình chung quanh, cho phép đoán định đây là cửa chính của thành Châu Sa.

Thành ngoại, kết hợp giữa các đoạn đào đắp với địa hình tự nhiên, khéo léo tận dụng các đồi núi thấp và các sông con, rạch nước, ao đầm vốn chằng chịt trong vùng. Thành ngoại chỉ đắp ba cạnh ở các phía tây, đông và bắc, trong đó cạnh thành tây và đông đắp kiên cố, cạnh thành bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía nam, nhìn ra sông Trà Khúc, không có bờ thành.
Điểm đặc biệt của thành Châu Sa là khoảng giữa thành nội và thành ngoại, về mạn nam, có hai gọng thành hình càng cua đối xứng qua trục nam bắc. Gọng thành phía tây, bắt đầu từ góc tây nam thành nội, dài gần 700m, còn phía đông, bắt đầu từ góc đông nam, dài chừng 500m.
Thành Châu Sa hiện là một tòa thành bằng đất, độ nguyên vẹn vẫn còn tới 80%. Điều này cũng hoàn toàn khớp với các sử liệu cho biết quân Tùy vào thành (không công phá thành), phá hủy cung thất (bằng tre gỗ), thu tượng miếu chủ bằng vàng (Tùy thư), “thành vua nước đó dùng gỗ làm rào” (Cựu Đường thư), “đường hiểm trở không thông được” (Tân Đường thư). Nói một cách khác cho đến đầu thế kỷ VII dường như ở quốc đô Lâm Ấp chưa có kiến trúc gạch.
Như vậy thì sau thành Cổ Loa ở miền Bắc Việt thành Châu Sa là một tòa thành cổ đắp bằng đất được hình thành từ thời Tần. Thành Châu Sa không phải được bắt đầu xây dựng dưới thời các vua Chiêm Thành từ thế kỷ 9 như vẫn nghĩ. Đây quả là một cổ thành độc đáo, còn khá nguyên vẹn của Việt Nam.
Bản thân địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vốn có tên là Chiêm Lũy động hoặc Cổ Lũy động. Trước cửa thành cổ Châu Sa nay vẫn còn địa danh thôn Cổ Lũy bên bờ sông Trà Khúc. “Cổ Lũy” của vị thần Đằng Châu họ Phạm hóa ra lại là nằm ở Quảng Ngãi. Những cái tên Chiêm Lũy, Cổ Lũy càng cho phép khẳng định Châu Sa và tỉnh Quảng Ngãi chính là thành đô, là trung tâm của nước Lâm Ấp trong 500 năm tồn tại với 19 đời vua họ Phạm.

Ngoi mat he

Đầu ngói mặt hề ở Cổ Lũy (Tư Nghĩa). Hiện vật chứng tỏ mối liên hệ giữa khu vực này với thành Luy Lâu ở miền Bắc.

Có thể Châu Sa thiết Chà, tức là chỉ kinh đô của người Chà, người Chiêm hay người Hời. Hoặc Chà = Cha, cũng giống như ở Cổ Loa là thành của vua Chủ, Cổ Lũy của người Hời là thành của vua “Cha”.
Thành Châu Sa là quốc đô của Lâm Ấp, nơi mà Tùy quân Lưu Phương đã chiếm, phá cung thất, thu 18 pho tượng vàng. Vì thế sẽ rất rõ ràng rằng các hiện vật thời kỳ sơ sử ở Quảng Ngãi sẽ rất phong phú, thể hiện đúng một trung tâm văn hóa chính trị ở phương Nam. Trước hết ở đây phải nói đến là khu vực khảo cổ Sa Huỳnh, nền văn hóa đồng đại với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt. Địa điểm Sa Huỳnh nằm ngay ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Cùng niên đại này, ở đây còn phát hiện những chiếc trống đồng Đông Sơn loại Heger I, tức là loại trống to đẹp nhất. Trống đồng phát hiện ở chính Quảng Ngãi chứ không phải ở Quảng Nam, nơi có thành Trà Kiệu. Liên hệ trực tiếp giữa quốc gia thời sơ sử ở đây với miền Bắc Việt rất rõ ràng. Rất có thể chính Sa Huỳnh – Quảng Ngãi là trung tâm của nước Hồ Tôn phía Nam nước Văn Lang trong truyền thuyết.

VUA NAM CHIẾU
Tộc phả họ Phạm tiếp: … Phạm Chí và con là Phạm Trung chạy ra các vùng hải đảo quanh đảo Côn Lôn để cầu cứu, được 3, 4 vạn viện binh về cùng Mai Thúc Loan và cha con Phùng Hưng, Phùng An, diệt được quan quân nhà Đường và lập Mai Thúc Loan làm Bố Cái Đại vương, tức Mai Hắc đế (766).
Theo chính sử thì khởi nghĩa của Phùng Hưng phải sau khởi nghĩa của Mai Thúc Loan tới hơn 60 năm. Nhưng thông tin trong dân gian lại cho biết bố Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa. Cháu Phùng Hưng là Phạm Thị Uyển là Mai Hoàng Hậu, đã tử tiết trên sông Tô Lịch khi giữ thành Tống Bình (Hà Nội). Việc tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi cho biết Mai Thúc Loan cùng cha con Phùng Hưng và họ Phạm chống lại quan quân nhà Đường là hoàn toàn có khả năng.
Quan trọng hơn dòng tộc phả ở trên cho biết chính họ Phạm vua Lâm Ấp với kinh đô tại Châu Sa là những người đã theo Mai Thúc Loan và Phùng Hưng chống nhà Đường.
Ở Quảng Ngãi còn có di tích gọi là “Long đầu hý thủy” (đầu rồng giỡn nước). Núi Long Đầu hiện tọa lạc tại xã Sơn Long, Sơn Tịnh (tức là ngay gần thành Châu Sa). Đây là danh thắng thứ 2 của Quảng Ngãi sau “Thiên Ấn niêm hà” (dấu ấn trời đóng), là núi Thiên Ấn bên sông Trà Khúc. Khu vực này do vậy được gọi là miền Ấn – Trà. Ca dao xứ Quảng:

Sông Trà sát núi Long Đầu
Nước kia chảy mãi rồng chầu ngày xưa.

Thắng cảnh núi Long Đầu và Thiên Ấn càng cho thấy nơi đây là nơi “rồng chầu”, “trời giáng ấn”, là quốc đô cổ ở phương Nam.

Long dau

Núi Long Đầu ở cạnh cầu Trà Khúc 1 với miếu thờ thần.

Liên quan đến núi Long Đầu là truyền thuyết về vua Nam Chiếu. Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần viết về núi sông tỉnh Quảng Ngãi, có đoạn: “Núi Đầu Rồng: Tức Long Đầu, ở cách huyện Bình Sơn 31 dặm về phía Nam, hình thế khuất khúc, sống núi từ núi Sâm Hội chạy về nam, đến vực sông Trà Khúc thì dừng, hình như rồng thần hút nước nên gọi tên thế. Trên núi có miếu cổ thờ Long Vân tướng quân; sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Tương truyền hồi Cao Biền nhà Đường cưỡi diều giấy đến đây yểm đoạn long mạch, hoang đường không tin được. Trong tập “Mười cảnh Quảng Ngãi” có một đề là Long Đầu hý thủy (Đầu rồng vờn nước), tức là núi này”.
Long Vân tướng quân hẳn là Vua Mây họ Phạm và Long chỉ vua, Vân nghĩa là Mây.
Tóm tắt truyền thuyết vua Nam Chiếu trên sông Trà như sau:
Tương truyền vua Nam Chiếu xuất thân từ một gia đình nghèo khó trên bờ sông Trà dưới chân núi Long Đầu. Bà mẹ là nàng Thiệu Khôi đi tắm sông bị một con rái cá lớn hãm hiếp, sinh ra Chiếu. Chiếu ngày thường tụ tập trẻ con chia phe đánh trận. Lũ trẻ chăn trâu tôn Chiếu làm vua. Tiếng đồn vang khắp cả miền Ấn – Trà (núi Ấn – sông Trà)….
Cao Biền sang phương Nam, phát hiện núi Long Đầu có “cửu phúc hồi hoàn” và “hàm rồng sâu thẳm” đã tìm cậu bé Chiếu nhờ bỏ hài cốt của cha mình vào miệng rồng. Nhưng Chiếu đã lặn xuống và thay bằng xương con rái cá, là cha của mình… Từ đó Chiếu mỗi ngày một thông minh vượt bực, tụ họp anh hùng hào kiệt bốn phương, đuổi quân Đường ra khỏi Giao Chỉ…
Cao Biền sau đó biết việc, liền trở về Giao Chỉ, mượn tay nàng Thiệu Khôi trảm long sông Trà Khúc rồi tiến quân đánh Nam Chiếu. Vua Nam Chiếu từ lúc đó không còn chống đỡ quân giặc được nữa, cuối cùng bị Cao Biền bắt và hành hình…

Câu chuyện trên mang đầy màu sắc “phong thủy”, lại ná ná giống sự tích của Đinh Bộ Lĩnh cũng vào thời Đường. Thêm vào đó các sử gia không thể hiểu nổi vì sao ở tận xứ Quảng lại có chuyện về vua Nam Chiếu. Nam Chiếu được cho là bắt nguồn từ vùng Vân Nam dưới thời Đường, cách sông Trà Khúc mấy ngàn cây số… Truyền thuyết liệu chỉ có là truyền thuyết?…
Truyền thuyết Cao Biền trảm long sông Trà Khúc khi liên hệ với tộc phả họ Phạm lại chỉ ra một sự thật: khởi nguồn của Nam Chiếu chính là ở vùng Quảng Ngãi, hay Chiêm Lũy động. Nam Chiếu là thời kỳ phục hưng của nước Lâm Ấp dưới thời Đường. Trước đó khu vực Tây và Nam Giao Chỉ gọi chung là vùng đất Lâm Ấp, xứ Nam Hà gồm 2 châu, hay nước Nam Triệu như trong Truyện Nam Chiếu, Lĩnh Nam chích quái đã kể.
Mặt khác so sánh 2 câu chuyện cũng cho thấy vua Nam Chiếu ở Trà Khúc là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và Phùng Hưng. Chính 2 cuộc khởi nghĩa nối tiếp nhau bắt đầu từ miền Trung Việt này mới làm nên quốc gia Nam Chiếu hùng mạnh thời nhà Đường.
Đoạn cuối của tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi: Thấy xứ Lâm Ấp phải lo chống đối với nhà Đường ở phía Bắc, nên thừa cơ hội này, người Chà Và (Java, Inđônêxia ngày nay) gồm các bộ tộc Dừa và bộ tộc Cau kéo sang xâm chiếm xứ Lâm Ấp và lập nên Vương quốc Chiêm Thành vào năm 705. Phạm Chính, con của Phạm Trung, cháu nội của Phạm Chí, khi thất bại trở về, đành phải chịu nhận vùng đất quanh thành Châu Sa làm xứ tự trị của dòng họ Phạm. Hiện nay, tại núi An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, còn có đền thờ vị Triệu tổ họ Phạm là Đại lang Phạm Duy Hinh.

Nha tho ho PhamNhà thờ họ Phạm tại Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Đoạn tộc phả trên cho biết nước Chiêm Thành trong giai đoạn tiếp theo được lập nên do các bộ tộc Dừa và Cau xâm chiếm vùng đất của Lâm Ấp. Như vậy lịch sử miền Trung Bộ đã đổi dòng từ đây, từ một quốc qua của người Nam Á (họ Phạm từ miền Bắc Việt) đã chuyển thành một quốc gia của người nói tiếng Nam Đảo (người Chăm).
Nhà thờ triệu tổ họ Phạm Đàng Trong là Đại thiên lang Phạm Duy Hinh nay vẫn còn tại An Điềm, Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi, cách thành cổ Châu Sa không xa. Câu đối ở nhà thờ họ Phạm khẳng định họ Phạm ở đây có nguồn gốc từ phía Bắc.
萬古矜基源北地
一方立業在南天
Vạn cổ căng cơ nguyên Bắc địa
Nhất phương lập nghiệp tại Nam thiên.

Lịch sử Lâm Ấp – Nam Chiếu khép lại và lắng đọng trong những dòng tộc phả và di tích thành cổ ở đây. Dòng máu rồng từ núi Long Đầu và dấu Thiên Ấn của Ngọc Hoàng trên sông Trà vẫn mãi là những tượng đài thiên nhiên của lịch sử mảnh đất phương Nam này.

2 thoughts on “Họ Phạm ở miền núi Ấn sông Trà

  1. bachviet18

    Văn nhân góp ý:
    Thông tin … thành Châu Sa, Quảng Ngãi xưa là Chiêm Lũy – Cổ Lũy gợi ra ý nghĩ:
    Theo sử Trung Quốc thì nhà Tần không tận diệt nhà Châu Trung hoa mà vẫn dành cho vua Châu 1 vùng đất để tiếp tục làm vua nhưng từ đấy vua Châu không còn là Hoàng đế nữa mà chỉ xưng là Đông châu quân.
    Sử thuyết Hùng Việt cho sở dĩ có sự biệt đãi này là vì Tần Thủy Hoàng là con của cặp Trọng Thủy – Mỵ Châu cũng chính là cháu ngoại của vua sau cùng nhà Châu.
    Mảnh đất Tần Thủy Hoàng ưu ái dành cho nhà Châu tiếp tục cai trị là đất nào?
    Trong mạch suy tư của Sử thuyệt Hùng Việt thì chỉ có thể ở 2 nơi .
    – Thanh hoá:
    An Dương Vương mang con là Mỵ Châu chạy về Thanh hoá; cùng đường khấn thần Kim quy …., vua chém Mỵ châu rồi cầm sừng Văn tê 7 tấc theo thần kim quy đi vào biển … Dấu tích vật chất hiện còn là đền thờ An Dương Vương dưới chân núi Mộ Dạ, mộ là mồ mả tiếng Việt, Dạ là di hạ thiết, Di Hạ là gốc tổ cuả dòng tộc vua Châu, có thể chỗ này do lâu ngày hoặc vì lý do đặc biệt nào đấy người ta đã cố ý bỏ đi chữ vương hay lang; mộ Di Hạ lang thì rất có thể núi ấy là nơi chôn cất Văn Vương – Cơ Xương tổ nhà Châu – vua Dịch học, Tần Thủy Hoàng coi đấy là đất tổ dòng bên ngoại mình nên dành đất ấy cho vua nhà Châu để tiếp tục việc cúng tế thờ phụng tiên tổ.
    – Thành Châu Sa – Quảng Ngãi:.
    Ngoài Châu sa thiết cha như đã nêu trong bài , rất có thể châu sa cũng là ‘ châu cha’ ‘chu choa’ như dân gian vẫn gọi, vua là ‘bố- cái’ nên Châu cha cũng nghĩa là vua Châu, thành Châu sa cũng là thành vua Châu ý nghĩa rất rõ ràng, suy lý ra thì vua Châu ở đất Quảng không thể có ai khác ngoài Đông Châu quân …, suy luận này được củng cố thêm với tên cũ Cổ lũy – Chiêm lũy động tên xưa của đất Quảng Ngãi, danh xưng Cổ lũy đã được nói đến trong thơ của ông Nghè Phạm sư Mạnh; thực ra Cổ loa – Cổ lũy – khả lũ chỉ là biến âm của Cả Lỗ – Cao Lỗ nghĩa là chúa nước Lỗ tức ông Châu công Đán người đã xây dựng nên Đông đô của nhà Châu sau được dùng với nghĩa là kinh đô .
    Tên Cổ Lũy cuả Quảng Ngãi xưa hàm ý rằng đấy là đất Kinh đô mới của nhà Châu, danh xưng Chiêm lũy là sự rút gọn của ‘Cỗ lũy trên đất Chiêm’ tức Kinh đô nhà Châu trên đất Chiêm.
    Các điạ danh thành Châu Sa, Cổ lũy động – Chiêm lũy động đã giúp xác định mảnh đất Tần thủy hoàng dành cho vua nhà Châu tiếp tục cai trị dưới danh xưng Đông châu quân là miền trung Việt nam với trung tâm là thành Châu Sa Quảng Ngãi tức lãnh thổ nước Yên thời Xuân thu – Chiến quốc trước.
    Lịch sử là sự liên tục của các móc xích sự kiện … vùng Quảng Ngãi Bình Định thời Chiêm quốc trước là xứ Vijaya… Truyền thuyết Việt nói An Dương Vương ở đây chỉ vua cuối cùng nhà Châu cầm sừng văn tê 7 tấc theo thần Kim quy đi vào biển … không biết xứ Vijaya với thành Châu Sa – vua Châu có liên quan gì đến nước sri Vijaya tiền thân của indonesia ngày nay hay không …, Sri nghĩa là sáng trong tiếng Việt tức ‘Châu’ trong Hoa văn.

    Like

  2. Đoạn cuối của tộc phả:
    “Thấy xứ Lâm ấp phải lo chống đối với nhà Đường ở phía Bắc, nên thừa cơ hội này, người Chà Và (Java, Inđônêxia ngày nay) gồm các bộ tộc Dừa và bộ tộc Cau kéo sang xâm chiếm xứ Lâm Ấp và lập nên Vương quốc Chiêm Thành vào năm 705.”
    Thông tin này cho thấy Lâm Ấp vốn là quốc gia được cai quản bởi người nói tiếng Việt (Môn Khmer) là họ Phạm từ Đằng Châu, tới thời Đường chuyển thành nước Chiêm Thành của người nói tiếng Nam Đảo. Các bộ tộc Dừa và Cau của người Chăm thực ra là người Phù Nam hay nước Phan cũ, nay về phục quốc. Đây là giải thích sự xuất hiện một khu vực nói tiếng Nam Đảo ở Nam Trung Bộ.

    Like

Leave a comment