Hồ Chủ tịch với công tác thanh niên

(Congannghean.vn)-Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm đến các thế hệ người Việt Nam, trong đó, Bác luôn giành nhiều tình cảm yêu thương sâu sắc đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng thanh niên

Ngay từ năm 1925, khi Người đang hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã nhận thấy thanh niên là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong tác phẩm “Bản án chế độ Thực dân Pháp”, Người viết “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên vào tháng 6/1925, để động viên, giác ngộ và tổ chức thanh niên vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác thanh niên được Người coi trọng và xem là nhiệm vụ cần thiết. Để huy động lực lượng thanh niên vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hội nghị BCHTW Đảng đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Kể từ đó, thanh niên được tập hợp trong tổ chức của mình để đấu tranh và trưởng thành qua các cao trào 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945.

Hồ Chủ tịch tại Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (1967)

Đặc biệt, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Trong thư gửi Ngành giáo dục nhân ngày khai trường năm 1945, Hồ Chủ tịch đã tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ, rằng tương lai của non sông Việt Nam phụ thuộc vào “một phần lớn ở công học tập của các em”.

Vào tháng tám năm 1947, trong thư gửi thanh niên, Người lại khẳng định “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”, “thanh niên ta rất hăng hái.

Ta biết tập hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”. Chính sự tin tưởng của Người mà các thế hệ thanh niên đã anh dũng chiến đấu lập nên chiến thắng Việt Bắc, Biên giới Thu – Đông và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc nước ta chuyển sang giai đoạn Cách mạng XHCN, nhằm để động viên kịp thời và khuyến khích lực lượng thanh niên tham gia lao động sản xuất, xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm, giáo dục lực lượng thanh niên. Trong bài nói chuyện tại đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam ngày (24/3/1961), Bác dặn: “Thanh niên ta phải cố gắng học…

Muốn xây dựng CNXH thì nhất định phải có học thức… Thanh niên ta cần hiểu rằng: bất kì công việc gì mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”. Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý: “Cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên hình thức mà phải nói được, làm được”.

Thực hiện và làm theo Bác Hồ dạy, tầng tầng, lớp lớp thanh niên không quản ngại khó khăn ra sức xây dựng miền Bắc XHCN và anh dũng chiến đấu ở tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần của người thanh niên Lí Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng và không thể con đường nào khác”.

Bác luôn coi thanh niên là lực lượng rường cột của nước nhà; là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, trước lúc Người đi xa, trong di chúc Bác đã dùng những lời lẽ tâm huyết đối với lực lượng thanh niên “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” và Bác cũng căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo Cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác giáo dục thanh niên là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc ta. Nhìn lại những lời dạy của Người giúp chúng ta có suy nghĩ và hành động đúng hơn về công tác thanh niên và giáo dục thanh niên trong thời kì mới, đặc biệt là trong năm thanh niên 2011.

Bùi Ngọc Tân

congannghean.vn