BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2023. TRUNG QUỐC LỢI DỤNG CĂNG THẲNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH HẠT NHÂN IRAN ĐỂ HƯỞNG LỢI

Posted by adminbasam trên 09/09/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Ba, ngày 3/9/2013

TTXVN (New York 30/8)

Phản ánh ý đồ và hoạt động của Trung Quốc trong việc lợi dụng Nga, Mỹ và phương Tây liên quan vấn đề hạt nhân Iran để hưởng lợi, “Tạp chí Chính trị Thế giới” của Mỹ ngày 15/8 cho rằng so với chính sách của Nga đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, chính sách của Trung Quốc có những điểm tương đồng và khác biệt trong cách tiếp cận. Bắc Kinh chia sẻ nhiều mối quan ngại của Moskva liên quan đến chương trình hạt nhân Iran và phản ứng của phương Tây. Thông thường các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thường tỏ ra rụt rè và khôn ngoan hơn các đối tác Nga trong việc thách thức phương Tây, ngay cả khi họ ở những thời điểm tỏ ra táo bạo hơn trong việc tìm kiếm các lợi thế từ cuộc khủng hoảng.  

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc phối hợp với Nga phản đối các nỗ lực của Iran nhằm đạt được các công nghệ hạt nhân nhạy cảm nhưng nhất trí với Moskva rằng hiện nay chương trình hạt nhân của Tehran đã phát triển xa đến mức không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục phản đối việc Iran có được các vũ khí hạt nhân, vì vậy họ muốn Iran hạn chế quy mô các hoạt động hạt nhân cũng như cố gắng minh bạch để cơ quan thanh sát quốc tế xác nhận bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của Iran. Các quan chức Trung Quốc cũng đồng ý với các đối tác Nga rằng cách tốt nhất để làm giảm tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran là thông qua đối thoại, đàm phán và cam kết chứ không phải bằng đe dọa hay trừng phạt. Nhưng do lo ngại về các nguồn cung cấp dầu lửa của Vùng Vịnh, Bắc Kinh sẵn sàng chỉ trích các chính sách của phương Tây đối với Iran là đạo đức giả và ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách đứng sau sự lãnh đạo của Moskva trong việc ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Iran. Nỗi lo sợ chủ yếu của Bắc Kinh là việc Iran có được khả năng vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng nguy cơ của cuộc chiến tranh tại Trung Đông – nguồn cung cấp một nửa số dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc. Mặc dù đến nay chiến tranh ở Vùng Vịnh chưa xảy ra, nhưng việc phát triển khả năng của các vũ khí hạt nhân ở các nước khác trong khu vực Trung Đông nhìn chung sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh, bởi vì nó sẽ làm giảm vị thế của Trung Quốc là một trong số ít quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân.

Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ít quan tâm hơn các đối tác Nga đến các mối liên hệ giữa các vụ phóng tên lửa của Iran và các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ. Đôi khi các công ty Trung Quốc là các nhà cung cấp chủ yếu các loại tên lửa cũng như các bộ phận và công nghệ tên lửa cho Iran. Theo quan điểm của Bắc Kinh, động lực chủ yếu của BMD cũng như các nỗ lực phòng thủ khác của Chính phủ Hoa Kỳ mà đang tác động đến Trung Quốc là các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Một số nhà phân tích người Trung Quốc coi các chương trình thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là động lực thúc đẩy các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ và Nhật Bản ở châu Á, trong khi một số quan chức Trung Quốc khác coi hành vi đó của Bình Nhưỡng đang tạo cớ cho Washington và Tokyo tăng cường các khả năng chống Trung Quôc. Nhưng cả hai nhóm phân tích của Trung Quôc nhất trí rằng cho dù Iran ngừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa đáng ngờ, các kế hoạch phát triển sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục. Các quan chức Trung Quốc phàn nàn về việc phương Tây nỗ lực thúc ép Iran tuân thủ các tiêu chuẩn không phổ biến hạt nhân cao hơn các nước khác. Họ kêu gọi các bên đối thoại hơn nữa và áp dụng các “tiêu chuẩn kép” ít hơn và chỉ ra thực tế là các chính phủ phương Tây không gây sức ép buộc Israel hoặc Ấn Độ tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trong khi tấn công Iran – một thành viên NPT và chấp nhận các biện pháp bảo đảm an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế – là bằng chứng cho thấy đạo đức giả của phương Tây. Theo quan điểm của Bắc Kinh, phương Tây chỉ muôn trùng phạt các kẻ thù chứ không trừng phạt bạn bè của mình.

Nhưng mong muốn của Bắc Kinh tránh thay đổi chế độ ở Tehran khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran linh hoạt hơn trong đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của họ. Nhưng bởi vì các quan chức Trung Quốc mong muốn các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, gánh chịu những phí tổn về kinh tế và ngoại giao để kiềm chế Iran, Bắc Kinh hạn chế gây sức ép trực tiếp đối với Tehran. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phản đối thay đổi chế độ ở Tehran buộc Bắc Kinh chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp trừng phạt cưỡng chế mà các nhà phân tích Trung Quốc ngờ là nhằm lật đổ chế độ Iran. Thậm chí một số nhà phân tích Trung Quốc coi các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Iran là nỗ lực gián tiếp làm suy yếu Trung Quốc bằng cách lật đổ Chính phủ Iran hoặc ít nhất gây nhiều căng thẳng nhằm tăng giá dầu lửa của thế giới, từ đó khiến Trung Quốc phải nhập dầu lửa với giá cao hơn. Trung Quốc cũng nhận thấy lợi ích chiến lược và kinh doanh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu phe đối lập Iran lên nắm quyền. Giống như ở Libya, một chính phủ mới ở Tehran có thể tìm cách trừng phạt Trung Quốc vì trước đây Bắc Kinh ủng hộ chế độ giáo sĩ Iran. Hơn nữa, các lợi ích của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng ngay cả khi chính phủ mới ở Iran hòa giải với phương Tây, bởi vì nhiều nhà kinh doanh Iran sẽ hướng tới phương Tây thay vì các đối tác Trung Quốc.

Đáng chú ý, việc giảm căng thẳng giữa Iran và phương Tây sẽ cho phép Washington tập trung nhiều hơn vào châu Á, từ đó tước đi lực đòn bẩy của Bắc Kinh liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Thực tế, các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây và việc nhiều công ty châu Âu và châu Á rút khỏi thị trường Iran đã tạo cơ hội rất lớn cho Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Iran. Trong khi Nga trở nên lạnh nhạt với Iran, như đã thể hiện qua việc Nga cảnh giác không bán các công nghệ hạt nhân dân sự hoặc quân sự tiên tiến nhất của mình cho Iran, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lửa số 1 của Iran và thương mại song phương đang tăng mạnh.

Các quan chức Trung Quốc bênh vực thương mại của nước họ với Iran như là các mối quan hệ thương mại bình thường không hề gây tổn hại các nước hoặc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Trong quan hệ đối tác với các đồng nghiệp Nga, các quan chức Trung Quốc liên tục tìm cách ngăn chặn hoặc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng đôi khi Trung Quốc cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt đa phương nhẹ nhàng để ngăn chặn những hành động nghiêm trọng hơn của phương Tây, như việc sử dụng vũ lực hay các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp đặt bên ngoài Hội đồng Bảo an. Trong mỗi trường hợp, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đều phải tính toán liệu các biện pháp ôn hòa hơn của Liên hợp quốc có gây hại cho các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc ít hơn các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây hay không. Trên thực tế, nhiều công ty Trung Quốc góp vốn lớn tại Iran có rất ít quan hệ kinh doanh với các nước phương Tây và nói chung các công ty Trung Quốc táo bạo hơn các công ty Nga trong việc tận dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như tình trạng khó khăn của Iran để đạt được nhiều cơ hội đầu tư thuận lợi hoặc các thỏa thuận kinh doanh khác ở Iran. Cũng như các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Triều Tiên, giới hoạch định chính sách Trung Quốc coi Washington là bên tham gia chính về vấn đề Iran. Ví dụ, họ không tin Israel sẽ tấn công Iran nếu không được sự chấp thuận của Hoa Kỳ. Vì vậy để tìm cách gây ảnh hưởng lên tình hình Iran, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm vào những nỗ lực ngoại giao đối với Washington. Các nhà chiến lược Trung Quốc nhận thấy rằng các mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ vẫn quan trọng hơn nhiều mối quan hệ của Trung Quốc với Iran. Họ cũng không muốn bị Hoa Kỳ coi là trở ngại chính cho các chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Iran. Do đó các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng vận động để Nga – nước chia sẻ nhiều mục tiêu với Bắc Kinh liên quan đến Iran – đi đầu trong việc chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối đầu với Bắc Kinh bằng một lựa chọn mạnh mẽ về chương trình hạt nhân của Iran, khả năng Bắc Kinh sẽ đứng về phía Washington. Nhưng đến nay Trung Quốc không phải đối mặt với một lựa chọn mạnh mẽ như vậy. Kết quả là, chính sách của Trung Quốc đối với Iran tiếp tục tìm kiếm một sự cân bằng nhạy bén giữa việc ngăn chặn bất cứ sự leo thang nào của cuộc khủng hoảng, đồng thời lợi dụng những cơ hội mà căng thẳng giữa Iran và phương Tây tạo ra cho lợi ích chính trị cũng như kinh tế của Trung Quốc./.

 

Sorry, the comment form is closed at this time.