vietsoul21

Bất Bạo Động: Tròng Diễn Luận? (phần I)

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Triết Học, Việt Nam on 2014/06/07 at 05:20

Phần I:

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

DIỆN

ĐIỂM

 _____________________________

Có một câu tục ngữ tuyệt vời–đó là cho đến khi những con sư tử có sử sách riêng, lịch sử săn bắn sẽ luôn luôn tôn vinh các thợ săn. Điều đó chẳng đến với tôi mãi cho đến sau này. Một khi tôi ngộ ra thì tôi muốn là một nhà văn. Tôi phải là người viết sử đó. Nó không phải là công việc của riêng một ai. Nó không phải là công việc của một cá nhân nào. Nhưng nó là việc mà chúng ta phải làm, vì thế câu chuyện cuộc săn bắn lúc nào cũng phản ảnh sự thống khổ, nỗi cực nhọc, thậm chí cả sự dũng cảm của những con sư tử. ~ Chinua Achebe (Tiểu thuyết gia, nhà thơ, giáo sư, và nhà phê bình người Nigeria)

Oppression_Silence_1

LỜI MỞ ĐẦU

Gần đây các phong trào đấu tranh tại VN thể hiện qua phương cách xuống đường biểu tình chống đối nhà cầm quyền CSVN, nhất là phản đối hành động xâm lược mới nhất của Trung Quốc qua vụ giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981), dường như đang dâng cao.

Ngoài phong trào tự phát kêu gọi tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, những lời “hiệu triệu” (từ các cá nhân sinh hoạt “chém gió” trên mạng—thuộc đảng phái chính trị hải ngoại hay không—cho đến các tuyên bố với ý đồ tốt của những nhóm xã hội dân sự trong nước) liên tục “khuyên” đám đông dân đen nên xuống đường “ôn hòa”. Bất bạo động như thế có làm bạo quyền không ra tay đàn áp bằng bạo lực? Chuyện giờ đã rõ.

Những lời kêu gọi này đã và đang làm mọi người hoang mang trong khi bất bình và phẫn nộ—nhất là sau khi chứng kiến các trấn áp bạo hành tàn nhẫn người biểu tình vào ngày 18/5/2014.  Đây không phải là lần đầu cho các trấn áp bạo hành. Nhưng tình hình đất nước đang đến hồi nguy cập so với năm 2011 khi các cuộc biểu tình bị trù dập trắng trợn bắt đầu xảy ra nơi công cộng trên đường phố.

Trong tình hình như thế, thiết nghĩ là các chất vấn sau đây khá quan trọng nhưng có thể bị xem thường:

  • Xử dụng phương thức bất bạo động để làm gì, trong bối cảnh nào và mang đến kết quả như thế nào, và có lợi/hại cho ai và vì ai?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng có nhất thiết phải là cuộc đấu tranh phi võ trang không?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng này có khi nào chỉ mang lại một “nền hòa bình tiêu cực”[i] vì chỉ là sự vắng mặt của những căng thẳng, bạo động, và nỗi lo sợ bị đàn áp bằng bạo lực chứ không phải “nền hòa bình tích cực” có công lý, hợp tác vì lợi ích chung, và có sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội?

Việc gỡ rối trong các nhận xét và phân tích liên quan đến bối cảnh và điều kiện cụ thể dẫn đến phong trào bất bạo động có khả năng thành công hay thất bại do đó là điều cần thiết.

Chúng ta có lẽ cần am hiểu (1) các hành vi cư xử nào đã thành khuôn mẫu nhưng không hề bị chất vấn vì đã được cung cấp sẵn và rồi thành thói quen trong suy nghĩ của các phong trào bất bạo động, (2) quá trình năng động mà trong đó có cả sự phát triển của chiến thuật lâu đời và sự sáng tạo cho các chiến thuật mới, và (3) mối tương quan giữa các phương pháp cụ thể của bất bạo động và mục tiêu ngắn hạn và dài hạn và tầm nhìn của phong trào.

Đây là một vấn đề đáng quan ngại từ lâu nay. Không ai chối cãi phương thức bất bạo động—đặc biệt loại thực tiễn—có những ưu điểm của nó như đã từng được trình bày qua các báo điện tử như một loạt bài trên Dân Luận, Dân Làm Báo, của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và hai thông cáo của đảng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (hay Việt Tân)—một đăng cùng vào ngày biểu tình 18/5 tại VN, và một mới nhất sau những cáo buộc của CSVN về bạo loạn tại Bình Dương, cũng như trong cuộc phỏng vấn của RFA với đảng Việt Tân gần đây vào tháng 3 năm 2014[ii].

Điều rõ ràng là có một vài hậu quả nghiêm trọng trước mắt một khi phương thức “bất bạo động” dần tạo ra khuôn mẫu do thói quen và trở thành diễn luận (vì được rao giảng cổ võ nhan nhãn rất “hoành tráng” trong và ngoài nước qua nhiều hình thức khác nhau).

Các hậu quả đó là (1) diễn luận bất bạo động vô tình đã loại trừ hành động tự vệ phản kháng một khi đã được định hướng và chỉ đạo (trực tiếp bởi quyền lực thống trị, hỗ trợ bởi nhóm công sai/cánh tay nối dài, và gián tiếp bởi các lực lương xem là độc lập), (2) diễn luận bất bạo động giúp che chở bảo bọc cường quyền độc tài (thông qua cảnh sát, mật vụ, tình báo, và quân sự) trong việc giữ độc quyền về bạo lực (trong một số trường hợp trên thế giới, điển hình là hiện trạng ở Việt Nam), và (3) nuôi dưỡng các ẩn ức tâm lý bạo lực trong diễn luận và phương thức bất bạo động.

Bài viết này sẽ được chia và sẽ đăng thành ba phần: (1) phần phân tích “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) liên quan đến các đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam; (2) phần phân tích hiện tượng tự vệ do nhập nhằng mà tạo ra sự lên án chỉ trích gán là bạo động, và phần phân tích về các ảnh hưởng lợi hại của diễn luận bất bạo động; và (3) phần kết thúc bàn về hạn chế của diễn luận bất bạo động.

PHẦN I

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

Thiết nghĩ việc phân tích các tương đồng và khác biệt giữa “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) trong hiện tại và các khả dĩ liên quan đến phương thức đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam là điều không thể thiếu và cần thiết.

Hiểu biết thấu đáo vấn đề phức tạp mang tính sống chết này không hẳn là dễ dàng. Tuy nhiên, hy vọng bài viết này là một đóng góp để chúng ta có thể giúp nhau thông hiểu hơn nguyên tắc, sách lược và tính thực tiễn của bất bạo động và các giới hạn của nó. Hẳn nhiên bài viết lạm bàn này không có ý độc tôn tư tưởng, độc đoán chân lý, hay độc quyền khuyên bảo quần chúng.

Trước khi bàn vào vấn đề này, xin mạn phép định nghĩa diễn luận và các ảnh hưởng tiêu cực của diễn luận trước.

Diễn luận (discourse) là một khái niệm trừu tượng nhưng có thể được nhìn thấy qua “diện”.

Diễn luận bao gồm tất cả những diễn đạt (trong cả ngôn ngữ viết và nói) chung cho một ý nghĩa. Các diễn đạt này được xử dụng qua các dấu hiệu thường nằm trong tri thức biểu hiện của một nền văn hóa. Những ai có khả năng và quyền lực một khi sử dụng những diễn đạt đó sẽ tạo ra tác động và ảnh hưởng dù có chủ tâm hay không.

Tất cả dấu hiệu của diễn đạt khi gộp vào và được lặp đi lặp lại—qua các phương tiện tuyên truyền như truyền thông báo chí và văn học đại chúng (quốc doanh)—sẽ tạo thói quen trong ý tưởng và đi vào tâm lý trở thành vô thức thì gọi là diễn luận.

Ví dụ như diễn luận liên quan đến bất bạo động thì có các dấu hiệu như (1) các điệu bộ cử chỉ (ví dụ bực dọc hay khinh bỉ hành động hay bản thân nhóm công nhân hôi của), (2) cấu trúc (ví dụ như ranh giới giữa Sài Gòn và Bình Dương hay khu Vũng Áng), (3) vật liệu (ví dụ như cờ hay băng rôn khẩu hiệu xuống đường tôn vinh đảng), (4) sự im lặng (ví dụ như sự im lặng của cường quyền và báo chí về dữ kiện giàn khoan Trung Cộng vào lãnh hải VN đã hơn một tháng), VÀ cả dấu hiệu dốt nát (ví dụ như không biết về dữ kiện Trung Cộng xâm lăng hay các cuộc xuống đường). Xin nhớ dấu hiệu dốt nát là một dấu hiệu không thể xem thường hoặc cho là loại rất nhỏ so với các dấu hiệu kia vì tất cả đều nằm trong diễn luận này.

Khi có một tuyên bố về một chủ đề (thuộc về một diễn luận cụ thể) được chọn thực hiện, diễn luận này giúp cho chủ đề xây dựng theo một kiểu nhất định nào đó. Diễn luận này cũng hạn chế trường hợp có thể xẩy ra một khi chủ đề được xây dựng theo những kiểu cách khác.

Tất cả các dấu hiệu này sẽ tạo ra biểu tượng và tín hiệu, và truyền đi bằng thông điệp hầu tạo ra một hiện thực có khả năng “sàng tới sàng lui không cần cảnh báo”. Điểm tối quan trọng là một diễn luận hoàn toàn chủ chốt trong việc quyết định ai là người sẽ nói và nói về cái gì, khi nào, ở đâu, và nói với ai.

Tóm lại, diễn luận khi thực hành thì vừa là một hình thức thông tin và vừa là hành vi tạo ra được ý nghĩa. Diễn luận (qua phương tiện của các dấu hiệu nói trên) được sản sinh bằng cách cài khung (framing) trong quá trình tạo ra ý nghĩa để kiến thức được sản sinh và nuôi dưỡng. Khi kiến thức cưu mang nhiều biểu tượng/thông điệp mang tính tiêu biểu và đồng nhất được tiêu thụ và hệ thống hóa thì sẽ trở thành một ý thức hệ (ideology)—một ‘hệ tư tưởng’ hay là hệ thống những ý tưởng và quan điểm triết học, tôn giáo, hay chính trị.

Diễn luận dẫn đến ý thức hệ và hành động thì dẫn đến cả hai. Louis Althusser và một số học giả cho rằng khi xã hội vận hành quen dần theo một thể cách cụ thể nào đó thì tạo ra ý thức hệ mà xã hội đó đi theo, và diễn luận tạo ra trong lúc xã hội vận hành. Nói một cách khác, diễn luận là một công cụ để chuyển tiếp các hệ tư tưởng. Diễn luận giúp ta hiểu hơn về một xã hội (dù lớn hay nhỏ) và những hệ tư tưởng mà xã hội đó vận hành và chịu ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta từ đó nói và hành động mà không còn suy nghĩ nhiều về diễn luận, và điều này cuối cùng dẫn đến sự tập hợp các ý tưởng hay ý thức hệ.

Diễn luận không chỉ quan trọng cho tư tưởng chính trị, mà quan trọng cho tất cả các loại tư tưởng. Bất kể loại ý tưởng nào mà con người muốn thể hiện hoặc khuyến khích, họ cũng cần phải sử dụng ngôn ngữ đễ diễn đạt biểu tượng và tín hiệu một cách hiệu quả hầu thuyết phục “khán giả” (hay quần chúng).

Vì vậy, quá trình tạo nên diễn luận này nếu không đặt trên nền tảng giá trị mang tính đạo đức (ví dụ các đức tính trong ngũ thường: nhân, trí, tín, lễ, nghĩa) nhưng chỉ khiến “khán giả” phục tùng một cách tự nguyện thì các diễn luận ra đời trở thành loại diễn luận thống trị nhằm phổ biến, tuyên truyền, và kiểm soát việc áp dụng ý thức hệ làm cho con người trong một tổ chức hay xã hội đồng thuận không hề thắc mắc. Ví dụ, đảng CSVN vun trồng ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” qua một số diễn luận cụ thể—như diễn luận “yêu nước”—để thống trị đất nước qua các thông điệp “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”, “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”, “Vì Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” v.v…

DIỆN

Phương cách bạo lực của bạo quyền được thi hành mang tính hệ thống máy móc đã xảy ra đồng loạt toàn quốc trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ được thấy rõ ràng như trong thời điểm này. Một nhà văn/cựu chiến binh người Bắc—một thời “trung với đảng” tham gia các trận chiến tấn công và cưỡng chiếm miền Nam—sau khi bị bắt chủ nhật 18/5 đã trần tình như sau:

Những con người công cụ này chỉ được giáo dục và rèn luyện về bạo lực. Bạo lực được tuyệt đối hóa. Lòng trung thành cũng được thể hiện bằng bạo lực. Với họ, chỉ có một giá trị là đảng cộng sản của họ.

Đọc tên các bạn trẻ bị bắt, bị đánh tôi lại nhớ đến những lời mạt sát tôi của người bắt tôi. Với những người có tuổi như tôi, họ đánh vào danh dự, vào nhân cách, họ sử dụng bạo lực tinh thần. Với những người trẻ, họ đánh vào thân xác, họ sử dụng bạo lực cơ bắp.  (Nhà văn Phạm Trọng)

Bạo lực tinh thần và bạo lực cơ bắp đã đặc biệt chiếu cố người Sài Gòn, nhất là các em sinh viên thanh niên trẻ tại Hà Nội và Sài Gòn. Hơn thế nữa, không thể chối cãi được là hiện tượng người yêu nước biểu tình bị bắt cóc và mất tích đang bắt đầu nhân cấp. Đây là tội ác rất nghiêm trọng mà CSVN đã và đang vi phạm theo Công Ước Quốc Tế về Bảo Vệ cho Người bị Cưỡng Bắt Mất Tích (The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance) vào năm 2006 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nhưng có mấy ai để ý hoặc biết nêu ra là gia đình người mất tích có quyền được bồi thường và được biết sự thật của việc bắt cóc/thủ tiêu. Trong khi đó thì CSVN xem chừng được miễn nhiễm vì nhiều lổ hổng trong luật lệ quốc tế trong khi cố tình không đưa vào hệ thống luật pháp hình sự.

Hiện nay không khí trong và ngoài nước vẫn bị bế tắc nặng nề bởi lời kêu gọi cho việc sử dụng ôn hòa và “kềm chế” nếu có xuống đường tự phát. Phương thức bất bạo động mang tính thực tiễn này thường bị cài khung (framing) bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, và từ đó trở thành một diễn luận nhiều hơi hướng nghiêng về cái gọi là “hùng biện lý tưởng” (rhetorics of the ideal). Trong khi đó, ít ai dám lạm bàn về những sự thật và hạn chế của các phong trào đối kháng thường được xem như thành công trên thế giới, và từ đó, có thể xét đến bối cảnh riêng tại VN.

Diễn luận “bất bạo động”—dù chỉ là một trong các phương thức đối kháng/phản kháng nhưng dần dần được xem là cứu cánh—vì thế đang loãng dần ảnh hưởng vì không có tính thuyết phục, một khi vượt lên trên các lý do liên quan đến thiếu cơ hội/phương tiện.

Hãy bàn một chút về hiện tượng và bản chất của phong trào này.

Tất cả hình thức bất bạo động được rút ra từ các phong trào đối kháng của quần chúng xem có vẻ như chiếm ưu thế và xem là thành công trên thế giới.

Chẳng hạn chúng ta ngưỡng mộ thần tượng đấu tranh bất bạo động Mahatma Ghandi và Martin Luther King, Jr. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những người đấu tranh với phương cách hình thức tự vệ đối kháng khác hoặc cùng hoặc sau thời của hai nhà đấu tranh này.

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Ví dụ như học giả/luật sư/chính khách Bhimrao Ramji Ambedkar—một người cùng thời với Gandhi—là một nhà hoạt động chính trị-xã hội nổi tiếng đã không ngừng nghỉ ủng hộ các quyền chính trị và tự do xã hội cho người dân bần cùng thuộc cấp thấp nhất (untouchables) của Ấn Độ. Một trong những bộ sách xuất bản của ông là “Hủy Bỏ Đẳng Cấp” (Annihilation of Caste) mạnh mẽ chỉ trích các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống Ấn Độ giáo, hệ thống giai cấp nói chung, và bao gồm “một lời phê bình khiển trách Gandhi” về chủ đề này. Những người ông phê phán nhiều nhất không phải là trào lưu chính thống hay cực đoan của Ấn Độ mà là thành phần người Ấn tự cho mình là “ôn hòa”—thành phần mà Ambedkar cho là tự mâu thuẫn vì vừa cho mình là ôn hòa mà vừa vin vào các bộ luật của Ấn Độ Giáo. Cho đến nay chúng ta không hề biết đến những hoạt động đóng góp của ông.

ArundhatiRoy-Gandhi-Ambedkar

Laura Flanders phỏng vấn nhà văn/nhà đấu tranh Arundhati Roy về quyển sách “Annihilation of Caste” (“Hủy Bỏ Đẳng Cấp”) của tác giả B.R. Ambedkar và huyền thoại m à phương Tây dựng lên về Mahatma Gandhi (ngày 21/10/2014, https://youtu.be/4-yMiBGBOe0)

Ví dụ như Malcolm X, một mục sư Hồi giáo người Mỹ gốc Phi và một nhà hoạt động nhân quyền cùng thời với Mục sư Martin Luther King. Ông là một nhà hoạt động can đảm ủng hộ một mực cho quyền lợi của người da đen, người truy tố các điều khoản khắc nghiệt nhất về tội ác người Mỹ trắng đối với người Mỹ da đen. Ông khẳng định chưa bao giờ ông là người khuyến khích bạo động[iii]. Tuy nhiên, Malcolm X đã bị gièm pha bằng nhiều cáo buộc rằng ông rao giảng phân biệt chủng tộc và “bạo lực” nên ít ai biết đến.

Malcolm X (1925 - 1965)

Malcolm X (1925 – 1965)

Còn vô số những người xả thân vô danh khác cùng thời cùng lúc đã đóng góp vào sự thành công chung của đất nước và phong trào đấu tranh của thế kỷ 20. Nhưng không phải ai cũng được tôn vinh? Tại sao? Tại sao có người được đề cao là ôn hòa và có kẻ bị lên án là bạo động? Tại sao khi hành động bạo lực của CSVN khi tấn công cưỡng chiếm miền Nam thì được ca ngợi—không những trong sự tự mãn của chính tập đoàn kẻ cướp mà còn từ phương tây, nhất là phe khuynh tả trước đây (dù rằng chân tướng của thằng độc tài gian ác cuối cùng đã lộ ra và bị lên án hiện nay)?

Lịch sử thường được viết bởi kẻ liên kết với quyền lực thống trị—nhất là sau khi thắng cuộc, và trở thành bộ nhớ thuộc lòng cho quần chúng qua cơ chế định hướng dư luận.

Như đã nói trên, tính chất hùng biện của diễn luận bất bạo động sẽ không còn mấy thuyết phục một khi không còn sát thực với tình hình và bối cảnh của một quốc gia. Và chính nó vô hình chung mang tính bạo lực vì đã áp đặt lên dân trí rằng đây là con đường duy nhất, và do đó, vùi lấp một thực tế phủ phàng.

Có ai đã quên rằng một số phong trào bất bạo động chống lại chế độ độc tài đã bị đàn áp thậm tệ và không đi đến thành công trong các quốc gia như El Salvador (1979-1981), Miến Điện (1988) và Trung Quốc (1989)?

Đó là chưa nói đến các thành công giả tạo của phong trào đối kháng bất bạo động.

Ví dụ, trong chiến dịch “Ấn Độ Ly Khai” (Quit India) mà Gandhi tiên phong tại Ấn Độ, ông Gandhi được báo chí Anh tung hô và tạo cho ông có danh tiếng. Báo chí Anh đã chọn tập trung tường thuật vào hành vi bất hợp tác của ông Gandhi thay vì vào hiện tượng hàng trăm cảm tử đã chiến đấu cho độc lập tự do của Ấn Độ bằng cách chế bom và ám sát các quan chức Anh, công chức bản địa.

Một quá trình cũng đã xảy ra như thế song song trong chiến dịch bất bạo động dành dân quyền của ông mục sư/ tiến sĩ Martin Luther King. Các giới truyền thông Hoa Kỳ không báo cáo về cuộc tuần hành đòi quyền dân sự tại Birmingham đã biến thành “bạo loạn”, và trong nhiều trường hợp tương tự, đã thực sự kích thích cho việc luật pháp địa phương và liên bang phải thay đổi dựa trên căn bản cấm không được kỳ thị người Mỹ da đen.[iv]

Khi nào dân chúng tự nguyện nhớ những gì kẻ thống trị muốn nhớ và quên những gì kẻ thống trị muốn quên, và qua đó, tự nguyện đưa cổ vào thòng lọng (qua bộ nhớ lịch sử chính thống) và cảm thấy tự sướng khi được kéo dây, giật, và xiết thì cơ chế đó đạt được việc“ổn định và phát triển đất nước”.

Đây là một trong những biểu hiện vô cùng hiệu quả của bạo lực vô hình (vì không cần sử dụng bạo lực cơ bắp) bằng các phương tiện của diễn luận và ý thức hệ để tạo ngu dân—một xã hội mà ngay cả trí thức cũng câm trong miệng và câm trong óc. Còn phó thường dân trong xã hội này thì sao?  Blogger Tung Do đã viết:

Tỉnh nào cũng có vé số, hằng ngày đưa dân tộc vào những con số (số đề) để đầu óc họ mụ mị đi, để họ cứ đi tìm cách làm giàu hư ảo, để họ quên đi thực tại thối nát, quên đi họ còn có những quyền cơ bản của con người mà Liên Hiệp Quốc công nhận!

Đó là chưa nói đến việc kẻ thống trị bắt chước các mô thức kỹ xảo (nhập từ phương Tây) mang tính tâm lý thụ hưởng ăn chơi và dục vọng của chủ nghĩa cá nhân. Đó là chưa nói đến các phương tiện kỹ thuật và thiết bị hùng biện khác để thống trị và kiểm soát làm đám đông quên lãng. Chẳng hạn như việc sử dụng bộ máy truyền thông làm công cụ. Malcolm X đã từng nhận xét rằng[v]:

Truyền thông là cơ quan quyền lực nhất trên trái đất. Họ có sức mạnh để làm cho những người vô tội có tội, và làm cho những người tội thành vô tội, và đó là quyền lực. Bởi vì truyền thông kiểm soát tâm trí của quần chúng. Nếu bạn không cẩn thận, các tờ báo sẽ khiến bạn ghét những người đang bị áp bức, và yêu những người áp bức.

Câu nói nổi tiếng nhưng không nhiều người biết đến này của Malcolm X có thể giúp chúng ta không còn ngạc nhiên để hiểu được tại sao Malcolm X bị thế giới truyền thông tạo ra một hình ảnh tiêu cực biến ông thành kẻ cần bị bôi nhọ là “bạo động”[vi]. Đây là một đề tài cần một bài tiểu luận riêng về bản chất và hiện tượng cũng như chức năng để bàn về các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới và văn hóa truyền thông.

Tóm lại, việc ai chọn cho nói và việc gì được cho thấy qua phương tiện truyền thông chính thống hay các mạng thông tin chiếm ưu thế là một trong những mạch nhập nhằng quan trọng thuộc guồng diễn luận hầu tạo ra hình ảnh/biểu hiện và thông điệp sau cùng. Như vậy thì tín hiệu và bộ nhớ mà quần chúng nhận biết và ghi khắc chưa hẵn là sự thật.
Neutral_Einstein_V version

ĐIỂM

Đấu tranh bất bạo động thường được hiểu đơn giản theo định nghĩa ahimsa của Gandhi tức là không gây hại—không dùng hay trang bị vũ khí và phương tiện bạo động để tấn công cường quyền.

Gene Sharp, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị (cùng một số học giả khuynh tả khác như Peter Ackerman, Jack DuVall, Jonathan Schell) là người cũng thường được ca ngợi là nhà chủ xướng ra các phương thức bất bạo động mang tính sách lược thực tiễn dựa trên nền tảng này. Phương cách đấu tranh bất bạo động thường phủ nhận sự thụ động, và do đó cho là hành động, nhưng là hành động không dùng bạo lực. Số đông quần chúng và chính nghĩa được sử dụng như là hai nhân tố chính giúp phong trào lớn mạnh và thành công. Neutral_Einstein

Tóm lại, theo Viện Albert Einstein, “phương pháp đấu tranh sử dụng hình thức phản đối tượng trưng, bất hợp tác và thách thức, nhưng không dùng bạo lực, để tạo ra sức mạnh trong các cuộc xung đột”. Các hình thức của bất bạo động được đề cao là tuyệt thực, kiến nghị, phát tán tờ rơi, các cuộc biểu tình mang tính quần chúng, các cuộc đình công bãi thị/bãi khóa, và việc ngăn chặn luân lưu nguồn tiền đóng nộp.

Thật ra, Gene Sharp có đề cập đến các yếu tố của hình thức cưỡng chế (coercion) như là một trong các hình thức của phương pháp bất bạo động[vii]. Ông còn nhấn mạnh rằng chất lượng của các lựa chọn mang tính chiến lược được thực hiện bởi các nhà hoạt động trong phong trào bất bạo động có thể đóng một vai trò lớn trong việc xác định kết quả của cuộc đấu tranh bất bạo động.

Gene Sharp đã cảnh cáo rằng nếu không có hoạch định chiến lược cẩn thận thì năng lượng có thể bị chệch hướng sang các vấn đề nhỏ hoặc áp dụng không hiệu quả; cơ hội để thúc đẩy một chủ đích không sử dụng được; đối phương sẽ thiết lập cách đối phó qua nghị sự; những điểm yếu riêng của phong trào sẽ bành trướng; và nỗ lực để đạt được mục tiêu sẽ ít có cơ hội thành công. Ngoài ra, cách làm suy yếu sức mạnh của một tầng lớp áp bức là tổ chức đối kháng của tầng lớp mà nó thực sự phụ thuộc vào chứ không nhất thiết phải là từ tầng lớp bị áp bức trực tiếp trừ khi sức đối kháng này nhằm giúp thúc đẩy sức mạnh kháng cự của nhóm thứ ba đó.

Các trình bày lý luận này do đó nằm trong phạm trù bất bạo động mang tính thực tiễn[viii]. Việc tự vệ, kháng cự lại bạo lực, can thiệp trực tiếp khi kết hợp với vũ trang thường bị cho ra rìa, không được xem là phù hợp. Do đó phương thức bất bạo động thực tiễn này—dù vô tình hay cố ý—đã tạo ra một trong những cách kiểm soát, bao che, và bảo vệ cơ chế bạo quyền độc tài xảy ra khắp nơi trên thế giới.

Trong thực tế người đấu tranh luôn phản kháng/đối kháng bằng mọi phương thức, mọi nơi và hằng ngày. Hành động họ không hẵn phát sinh nhờ vào sự cổ võ và hướng dẫn của phong trào bất bạo động. Các đối kháng/phản kháng thực tiễn của người đấu tranh cũng có nhiều cấp—từ làm suy yếu tính hợp pháp của bạo quyền cai trị cho đến bất hợp tác cho đến can thiệp trực tiếp[ix].

Trong quốc gia pháp trị thì họ kháng cự bằng cách “làm theo định hướng” chẳng hạn như dùng tòa án để đấu tranh, vạch trần sai trái. Ngay cả dưới chế độ thực dân người ta vẫn thực hiện phần nào điều này. Ở chế độ độc tài toàn trị, độc tài cộng sản thì tòa án là cánh tay nối dài của cường quyền và nguời đấu tranh bị tước bỏ trắng trợn cái phương tiện đó.

Ngoài ra, trong trường hợp tại VN thì dù trong tư cách cá nhân hay nhóm đoàn, người đấu tranh còn sử dụng mọi phương thức, phương tiện bất hợp tác (hay bất tuân dân sự) để phản kháng lại cường quyền. Chẳng hạn như các nhà đấu tranh Dân Chủ không hợp tác khi có giấy mời triệu gọi tới phường để tra vấn. Chẳng hạn như luật sư Nguyễn Mạnh Tường thời Cải Cách Ruộng Đất/Nhân Văn Giai Phẩm đã từ chối tham gia vào guồng máy bạo lực và viết như sau trong quyển hồi ký “Un excommunié (Kẻ bị khai trừ)” xuất bản tại Paris năm 1992:

Tôi không hề tham gia Mặt trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền.

Hay như nhà thơ Hữu Loan sau tù đày và tù treo vì tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã chịu đựng nghèo khó mà “không hề cúi đầu” khi quyết định trở thành người “đi bộ ngược chiều”—“chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng”, “chiều của dòng chảy tiêu diệt niềm tin, tính tự trọng và …vô cảm trước các nỗi đau của xã hội”.

Và cũng có kẻ/nhóm/làng đã chọn phải tự vệ vì tức nước vỡ bờ, vì mưu sinh sống còn. Malcolm X_Self-Defense

Không có cuộc Nổi Dậy tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) mùa đông năm 1956, Văn Giang, Dương Nội, hay Đoàn Văn Vươn, Đoàn Ngọc Viết, Liệt nữ Anh Hào Lê thị Tuyết Mai, không có dân bắt cán bộ xã, không có nông dân quyết tử giữ đất thì liệu người dân có học được bài học nhận thức rồi đi đến hành động quyết liệt làm gương “vượt qua nỗi sợ” để từng bước lớn mạnh đương đầu với cường quyền?

Khi không có sức thì họ sử dụng thế. Đây là thời điểm họ nghĩ đến kế có sách lược chứ không còn tự phát thực tiễn nữa.

Trên hết, họ luôn luôn đề cao cảnh giác không để thông điệp của họ bị chiếm làm của riêng [hay tước hữu (appropriated)]. Vì họ biết rất rõ thông điệp và yêu sách của mình sau giai đoạn chiếm hữu thì đã bị xoa bóp nhào nặn qua nhiều năm tháng hầu định hướng lại cho phù hợp với đường lối chính sách và tuyên truyền của đảng, trong khi không còn mối lợi nào dành cho họ—những phó thường dân—cả.

Trong phạm trù và tầng độ văn hóa này thì người phản kháng cũng vận dụng tri thức quyết từ chối sử dụng những biểu tượng đã bị tước hữu bởi cường quyền.

Ví dụ điển hình về một hình tượng thuộc “tổ quốc” mà đã bị ĐCSVN bắt làm con tin. Cờ đỏ sao vàng dù là quốc kỳ (nguồn cờ xuất xứ từ tỉnh Phúc Kiến của đảng cộng sản Trung Cộng) của CHXHCNVN nhưng đã bị tước hữu bắt làm con tin phục vụ cho chế độ đảng trị CSVN. Khi người tự do hay người đấu tranh sử dụng lá cờ đỏ thì vô hình chung tự đặt để mình thuộc vào với chế độ CSVN, nghĩ rằng mình làm vì tổ quốc mà quên rằng biểu tượng lá cờ đã bị bắt làm con tin từ lâu lắm rồi.

Cũng như thế. Hình HCM, Võ Nguyên Giáp là biểu tượng của ĐCSVN. Giương hình đó lên thì dù muốn hay không cũng là thể hiện một lòng với chế độ của cường quyền. Như đã định nghĩa, lá cờ và hình lãnh tụ là các dấu hiệu mang tính vật liệu phục vụ trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào có liên quan đến tròng diễn luận “bất bạo động”.

Trong cuộc đối đầu bất tương xứng giữa cường quyền (dùi cui, gậy điện, còng/cùm, súng, xe phóng thanh, ban tuyên huấn, tv, báo chí, truyền thanh) và người dân muốn tự do dân chủ (trên facebook, blog, twitter, cho thân thế cá nhân) thì tiếng nói và thông điệp là phương tiện mà người đấu tranh có thể sử dụng để tạo ưu thế.

Thông điệp “ổn định” đã bị tước hữu vì nó không còn ý nghĩa trung tính nữa mà bị thuần hóa cho đồng nghĩa với không khiếu kiện, không biểu tình, không phản kháng. Cũng thế, “đồng thuận” đã định hướng trở thành đồng lõa, đồng tình với áp bức trấn lột và bất công. Như vậy “đồng thuận” thành một trong những dấu hiệu “im lặng” trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Tóm lại, người đấu tranh không thể để thông điệp đối kháng của mình bị chiếm đoạt làm của riêng [hay gọi ngắn gọn là “tước hữu” (appropriation)], và nhất là không để thông điệp đối kháng của mình rơi vào bẫy bị xào nặn đồng hoá hòa lẫn vào thông điệp của cường quyền chẳng hạn như nhà cầm quyền Việt Nam—kẻ vừa ăn cướp vừa đành trống la làng.

Ngoài ra, thông điệp về bất bạo động là từ nơi ai?

Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được mời ngồi bàn cãi với các nhóm xã hội dân sự, với trí thức và những nhà bất đồng chính kiến, và cả với Đảng CSVN? Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được dự phần xem lời kêu gọi “ôn hòa” mang tầm ý nghĩa chính trị lớn nhỏ và có lợi hại như thế nào trong phong trào đối kháng hay giữ nước? Lý do vì nội gián điệp viên trong các phong trào đối kháng có đủ thuyết phục? Khi nào và trong hoàn cảnh nào phương thức bất bạo động đã tự nó bảo vệ chế độ bạo quyền?

Thêm vào đó, tại sao hành động hôi của cướp phá của công nhân Bình Dương (cho dù có bị giật dây bởi một lực ma mảnh nào đó) bị miệt thị và liệt kê là “bạo loạn”? Giáo sư chuyên gia về VN Thomas Jandl, thuộc trường American University ở Washington DC, đã chỉ ra hố rãnh giữa công nhân bị bóc lột hằng bao năm trời và thành phần người Trung Cộng trấn lột là một trong những nguyên nhân chính hơn là vấn đề địa chính trị (geopolitics):

Bạo loạn có thể dễ dàng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, sau đó cộng hưởng với các yếu tố khác. Họ chỉ là những người công nhân, không phải là học giả khoa học chính trị hay sử gia. Họ có những đốc công “Trung Quốc”, họ cảm thấy rằng những người này không tử tế gì với họ cả, và bây giờ thì những người đốc công Trung Quốc, hoặc ai đó giống họ, lại đang xâm lược đất nước.

Ký giả Bill Hayton/BBC tường thuật tiếp như sau: “Công nhân phàn nàn về lương thấp, điều kiện làm việc kém (như chất lượng đồ ăn trong nhà máy tồi, bị hạn chế đi vệ sinh trong giờ làm việc), và bị giới quản l‎ý trù dập.” Rồi ông Bill Hayton cũng đã xác nhận thêm rằng: “một vài nhà máy [tại Hà Tĩnh], đặc biệt là các nhà máy Đài Loan sở hữu đã ưa tuyển dụng công nhân Trung Quốc hơn công nhân người Việt.”

Trong bài viết cho BBC này, ông Hayton sau đó đã nhận định rằng đây là một “thực trạng tức giận chưa đủ chín: một phần là chống Trung Quốc, nhưng phần có vẻ khẩn cấp hơn là chống lại giới chủ tồi.” Vậy tại sao thành phần công nhân lại trở thành mũi dùi và bị miệt thị?

Khi có miệt thị hành động cưu mang nỗi tức giận chưa chín muồi này của thành phần công nhân là “bạo động” hay “bạo loạn”  thì việc gì xảy ra kế tiếp và có lợi cho ai? Ai tạo ra hố rãnh giai cấp để trị?

Đó là chưa luận bàn đến việc bỗng dưng hành động cướp bóc hôi của bị đánh đồng thành hành động đại diện cho một quốc gia. Đây là một trong những sách lược hùng biện của kẻ chủ mưu: sử dụng thiết bị hùng biện (rhetorical devices) qua “tấn tuồng” nhằm thuyết phục “khán giả” trong và ngoài nước là hành động “bạo loạn” này của công nhân Bình Dương là điều không thể chấp nhận được.

Một khi đã thuyết phục được thì sẽ có các phản ứng ảnh hưởng nào lọt bẫy kẻ mưu chước?

Chắc hẳn không ai lại cổ võ hoặc bỏ qua cho việc cướp bóc hay hôi của. Thế nhưng hành động này được gán ghép cho tập thể mấy ngàn người biểu tình và là mũi nhọn của diễn luận “ổn định xã hội”. Thật ra, “[l]ý do‎ [chính phủ Việt Nam (một tổ chức mà ông Hayton gọi là một “tổ chức sáng dạ”) châm chước cho biểu tình với bạo loạn] là bởi Đảng Cộng sản cầm quyền muốn gây ấn tượng với hai nhóm khán giả: chính nhân dân của họ và các đối thủ nước ngoài.”

Từ cử chỉ “bực dọc và khinh bỉ” (thuộc dấu hiệu “điệu bộ cử chỉ”—một mắc xích của tròng diễn luận “yêu nước” mà chúng tôi đã trình bày ở đầu bài) đưa tới việc nẩy sinh ra một tâm lý ô nhục tầm quốc gia, và đồng thời, vừa tạo áp lực vừa là cơ hội cho các nhóm “khán giả” khác nhau (trong nước và hải ngoại) càng có dịp lên án mạnh mẽ những hành động “thiếu văn minh” này.

Ngoài ra, tiểu thuyết gia người Pháp Anatole France đã từng mỉa mai rằng: “Luật pháp (với bình đẳng là trọng tâm đồ sộ) cấm những người giàu cũng như người nghèo ngủ dưới gầm cầu, ăn xin trên đường phố và ăn cắp bánh mì.” Đương nhiên là người giàu không bao giờ ngủ dưới gầm cầu, ăn xin, và cắp vặt thế nên luật đưa ra chỉ để áp dụng trừng phạt và áp đặt lên người nghèo. (Chuyện đại gia, quan lớn đánh cắp của công và tài nguyên thì là một vấn đề “nhỏ” khác).

Thật khó thấy có một sự rối loạn nào, tự nhiên hoặc nhân tạo, trong xã hội đang có “trật tự” mà không dẫn đến cướp bóc hay hôi của ở đâu đó. Huống gì dưới một chế độ độc tài như Việt Nam khi khoảng cách giai cấp giữa giàu và nghèo quá lớn.

Như vậy, vấn đề có giàn dựng này (khi đã được các báo nước ngoài điểm chỉ) cho ta thấy điều gì? Nó phát xuất từ nguồn bạo lực tạo ra từ hệ thống cơ chế và giai cấp. Vậy thì ai chịu trách nhiệm đây? Hành động của người hôi của chăng? Chưa hẳn đúng. Hành động của họ chỉ là “diện” (hiện tượng) mà không phải “điểm” (bản chất) của vấn đề!

Vấn đề xây dựng một tri thức tận tường về bạo lực cơ chế và bạo lực văn hóa là một hành động không thể thiếu và cần thiết trong lúc sử dụng các phương cách đối kháng. Nên ta không thể đơn thuần kêu gọi quần chúng xuống đường tự phát nên “ôn hòa”, “kiềm chế”, hay bất bạo động.

Các thiết bị hùng biện (rhetorical devices) đã được dùng cho giàn dựng “tấn tuồng” và các thông điệp hoa mỹ—như “ôn hòa”, “kiềm chế”—với ý nghĩa chung chung mơ hồ như thế đều nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Đây là cái bẫy tiếp tục được giàn dựng không phải chỉ từ bạo quyền CSVN mà còn do các lực đồng lõa khác.

Neutral_Tutu_2

Xem tiếp: Phần II & Phần III

________________________

CHÚ THÍCH

[i]  Martin Luther King đã đề cập đến hai loại nền hòa bình này trong một lá thư khi đang ngồi trong tù tại Birmingham. Ông chỉ trích mạnh mẽ không phải nhóm kỳ thị chủng tộc KKK hay các Hội Đồng Cố Vấn cho người Mỹ da trắng mà là những người Mỹ “ôn hòa” thiên”trật tự” thay vì công lý”; đây là những ai thiên về một nền hòa bình tiêu cực—với sự vắng mặt của các căng thẳng—thay vì một nền hòa bình tích cực mà công lý phải hiện diện; đây là những người [“ôn hòa”] thường  nói: “Tôi đồng ý với anh trong các mục tiêu mà anh đang theo đuổi, nhưng tôi không thể đồng ý với phương pháp hành động trực tiếp của anh.”

[ii]  “Đấu tranh bất bạo động, con đường khó khăn và cực nhọc”, RFA phỏng vấn người đại diện đảng Việt Tân, 16/3/2014.

[iii]  Malcolm X. 1992. February 2965: The Final Speeches. New York, NY: Pathfinder (trang 47). Trong một bài phát biểu vào ngày 11/2/1965, tại Trường London School of Economics, Malcolm X giải thích rõ vấn đề mô tả (mang tính đặc thù và có tính cách tách chia) sự khác nhau giữa bạo động và bất bạo động trong phong trào Dân quyền tại Hoa Kỳ đã được sử dụng như thế nào:

 

Tôi chưa bao giờ nói rằng người [Mỹ] da đen nên tấn công chống lại người da trắng, nhưng mà khi chính phủ không bảo vệ họ, người da đen có quyền làm [chuyện tự bảo vệ mình]. Đó là quyền lợi đã vạch sẵn cho họ. Tôi thấy có những người da trắng không ủng hộ lời khuyên dành cho loại người da đen không biết phòng thủ này lại là những người da trắng thuộc loại ‘chính trị tự do’ phân biệt chủng tộc. Họ sử dụng báo chí để tạo hình ảnh chúng tôi là kẻ bạo động.

 [Nguyên văn: “I have never said that Negroes should initiate acts of aggression against whites, but where the government fails to protect the Negro he is entitled to do it himself. He is within his rights. I have found the only white elements who do not want this advice given to undefensive Blacks are the racist liberals. They use the press to project us in the image of violence.”]

[iv]  Colaiaco, J.A. (1984). The American Dream Unfulfilled: Martin Luther King, Jr. and the ‘Letter from Birmingham Jail’”, Phylon, 45(1), 1-18.

[v]  Scardino, F. (2005). The Complete Idiot’s Guide to US Government and Politics. New York, NY: Penguin (trang 47).

[vi]  Powell, K., & Amundson, S. (2002). Malcolm X and the Mass Media: Creation of a Rhetorical Exigence. North Dakota Journal of Speech & Theatre, 15, 35-45.

[vii]  Sharp, G. (1970). Exploring Nonviolent Alternatives. Boston, MA: Porter Sargent (trang 31).

[viii]  “198 phương thức bất bạo động” (198 Methods of Nonviolent Action), The Albert Einstein Institution.

[ix]  Can thiệp trực tiếp là một loại đối kháng để làm gián đoạn các hoạt động bình thường có hỗ trợ giúp cho hiện trạng của nhà cầm quyền tiếp tục đứng vững, hoặc tạo ra những hành vi hoặc tổ chức có các mô hình mới được chuộng. Loại can thiệp gây rối bao gồm phong tỏa, tuyệt thực, tự xung phong vào tù. Loại can thiệp sáng tạo có thể bao gồm sự hình thành các cơ chế khác như trường học, các tổ chức kinh tế, và phương tiện truyền thông song song với cơ chế độc tài hiện hữu.

___________

BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?

Phần I: PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM
Phần II: “TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?” & “BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?”
Phần III: HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG & TẠM KẾT
  1. Bài viết sâu sắc và có tính thuyết phục với đầy đủ dẫn chứng. Thành thật cám ơn Vietsoul 21 – Hồn Việt Thế Kỷ 21 – đã nói lên quan điểm giùm tôi.
    Hôm nay là lần đầu tiên tôi ghé thăm diễn đàn Vietsoul 21, hy vọng tôi sẽ được đọc nhiều bài viết bộc trực và độc đáo hơn.

Bình luận về bài viết này