Sáng 9/5, bên lề Tọa đàm khoa học Đối thoại chính sách: “Đề xuất của Bộ tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) đã có những chia sẻ về đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế).
Nguyễn Văn Phụng cho rằng: “Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Từ đó, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu. Nhưng tôi nghĩ đánh thuế tài sản ô tô thì phải đánh cả tàu, thuyền, máy bay và một số tài sản có giá trị khác. Ô tô, tàu, thuyền có nước đánh, có nước không. Nói chung đây là đối tượng dễ nhìn thấy, người ta dùng nhiều loại thuế để điều tiết. Khi mua sắm thì áp thuế TTĐB, khi đăng kí thì áp dụng lệ phí, khi sử dụng rồi thì áp dụng thuế tài sản. Một đất nước văn minh phải dùng nhiều loại thuế bổ trợ cho nhau”.
Đề cập đến mức đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Phụng giải thích: “Đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng mới là mức đưa ra để xem xét, chưa quyết định ngay. Nhà khác với ô tô là nhà gắn với cuộc sống lâu dài, còn ô tô hao mòn rất nhanh. Nếu xét tới yếu tố công bằng thì cần tính toán để bảo đảm công bằng trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả yếu tố sử dụng nữa. Nhà có thể không tạo ra giá trị nhưng xe lại khác”.
Trước câu nói của ông Nguyễn Văn Phụng, nhiều ý kiếnbày tỏ không đồng tình với quan điểm này.

Nhiều người cho rằng phát ngôn của ông có phần phiến diện bởi thực tế, ô tô chỉ là một phương tiện đi lại. Một chiếc xe để lăn bánh tại Việt Nam hiện nay đang gánh vác quá nhiều loại thuế.
Trong khi đó, thu nhập của người dân ở Việt Nam chỉ vào mức trung bình và thấp so với thế giới nên không thể đánh đồng hay áp dụng quá nhiều loại thuế trên một chiếc xe như vậy.
Một số ý kiến khác lại cho rằng trong trường hợp đã đánh thuế thì không phân biệt giá trị mà đã là ô tô thì xe nào cũng thu vì nó cùng gây ra nhiều tác hại như nhau, thậm chí xe giá trị thấp còn có hại cho môi trường, xã hội hơn.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra.Cụ thể, theo chiến lược, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉ lệ đóng góp của thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP.Trên thực tế, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP.”Các con số này nói lên rằng mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP thôi. Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai”, ông Phụng bình luận.Do đó, trong những năm tới, theo ông Phụng, Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế.

Hương Nguyễn (t/h)