Giấc Ngủ Dài


The Big Sleep – Raymond Chandler

The Big Sleep – Raymond Chandler

Thật không hổ danh là một trong những quyển tiểu thuyết nổi bật của dòng trinh thám các thám tử “sắt đá” (“hard-boiled”). Trong The Big Sleep của Raymond Chandler, thám tử Marlow xin thôi việc làm ở sở cảnh sát bắt đầu kiếm sống bằng những nhiệm vụ điều tra riêng. Một gia đình giàu có, giàu tới mức chắc chắn là không thể hoàn toàn trong sạch, nhờ ông giúp đỡ vì bị tống tiền. Một người con rể gia đình này cũng biến mất. Câu chuyện xoay quanh hai cô con gái trác táng của gia đình giàu có đó và một đám “giang hổ” bất hảo chỉ biết tiền, rượu, tình dục, cờ bạc và những mối làm ăn bất chính.

Quyển sách này được đánh giá cao. Time Magazine xếp nó vào trong danh sách “100 quyển tiểu thuyết mọi thời đại” (“All Time 100 Novels”). Năm 1990, Phòng Lưu trữ Tiểu thuyết Trinh thám Bochum (Bochumer Krimi-Archiv) trong một cuộc thăm dò đã hỏi ý kiến các nhà phê bình văn học trinh thám, các cửa hàng bán sách trinh thám và các tác giả trinh thám về những quyển tiều thuyết mà theo ý của họ là những quyển tiểu thuyết trinh thám hay nhất. Quyển The Big Sleep đứng cùng hạng 3 (với The Maltese Falcon của Dashiell Hammet) trong danh sách thăm dò đó. (Thời đó còn chưa có Deaver, Fitzek, Läckberg, Nesbo, Olsen,…)

Đọc mới thấy Chandler có ảnh hưởng thật lớn đến phong cách trinh thám Mỹ. Bạn đọc hâm mộ Deaver hay Lee Child chắc chắn sẽ thích dòng tiểu thuyết này của Raymond Chandler: diễn tiến nhanh, nhiều hành động, nhiều xác chết (!). Nhưng có một điều là khi đọc không nên so sánh nó với những tác phẩm trinh thám xuất sắc của gần một thế kỷ sau đó. Quyển tiều thuyết này không dầy lắm, chỉ độ chừng 250 trang khổ nhỏ, tương đối thích hợp cho một cuối tuần muốn thư giãn giải trí để rồi đọc sang những quyển sách khác hay làm việc khác. Sách trinh thám hiện nay nhiều quyển 500-600 trang, tất nhiên là có cái hay riêng của nó, nhưng đôi lúc không có hay không muốn dành nhiều thời gian như vậy cho một quyển trinh thám.

Nói tóm lại, nếu bạn muốn đọc tìm hiểu về dòng văn học trinh thám mà người Mỹ gọi là “hard-boiled” đó, thì đây là một trong những quyển rất đáng để đọc.

Phan Ba

Giấc Ngủ Dài - Raymond Chandler

Giấc Ngủ Dài – Raymond Chandler

Tiểu thuyết đầu tay của Raymond Chandler với phong cách hiện thực đen tối đã làm sống lại thế giới ngầm nhơ nhớp của Los Angeles và dĩ nhiên là khai sinh ra cả Philip Marlowe, vị thám tử tiêu biểu của thể loại trinh thám.

Từ đây, chúng ta đã có Philip Marlowe, một trong những nhân vật tuyệt vời của tiểu thuyết Anh-Mỹ, một nam chính “kẻ tám lạng người nửa cân” với Sherlock Holmes và có thê,̉ biết – đâu – đấy, vượt qua cả tượng đài này. Chính Marlowe đã tạo nên sức hấp dẫn lâu dài của tiểu thuyết này và cả 6 tập tiếp theo nó. Vào năm 1951, Chandler đã tâm sự với nhà xuất bản của ông: “Có vẻ là tôi đã bị ràng buộc với anh bạn này suốt đời.”

Có lẽ ông chẳng cần ngạc nhiên đến thế. Chandler hiểu rất rõ kiểu thám tử điển hình trong tiểu thuyết, ông đã dành nhiều năm để hoàn thiện nhân vật này. Trong The Simple Art of Murder (1950), ông đã mô tả nhân vật ông thai nghén với đoạn văn nổi tiếng sau:

“Anh ta phải là một người đàn ông toàn vẹn, một người bình thường mà cũng khác người thay… Anh ta là một người đàn ông cô độc và niềm kiêu hãnh của anh là, hoặc bạn sẽ coi anh là một người đầy tự trọng hoặc bạn sẽ hối tiếc vì đã gặp phải anh. Anh ta trò chuyện theo cách mà một người đàn ông vào tuổi anh thường nói và thêm vào đó là cái hóm hỉnh cộc cằn, độc đáo một cách sống động, với sự ghê tởm dành cho thói giả trá và sự khinh miệt với cái nhỏ nhen.”

Có lẽ ở đó, Chandler đang miêu tả Philip Marlowe, người mà sau nhiều lần xuất hiện trong các câu chuyện dạng pulp fiction của Chandler rốt cuộc đã ra mắt độc giả trong tiểu thuyết đầu tiên này. Ông đã từng tự nhận xét về phong cách trứ danh của ông như sau: “Tôi là một kẻ hợm hĩnh có học, tình cờ lại ưa chuộng thổ ngữ Hoa Kỳ, phần lớn là bởi vì tôi đã lớn lên cùng với tiếng Latin và Hy Lạp.”

Chandler, đã được giáo dục tại Cao đẳng Dulwich, ngôi trường do Edward Alleyin sáng lập. Ông là một diễn viên kiêm giám đốc đoàn kịch Admiral’s Men, nơi gắn với tên tuổi nhà thơ – nhà soạn kịch Christopher Marlowe, đối thủ đáng gờm của Shakespeare. Trong những câu chuyện của Chandler, nhân vật chính cũng được gọi là “Mallory”. Đó là một hiệp sĩ của thế kỷ 20, người đã sải bước trên những con đường tồi tàn của Hollywood và Santa Monica, đã từng ghé thăm ngôi nhà của những kẻ giàu sụ với các tay quản gia người Anh, những bí mật xấu xa và những thói hư tật xấu hiểm ác của chúng. Chandler đã tài tình vận dụng lối phúng dụ cổ xưa này trong những ẩn dụ phi thực. Đây là một ví dụ: “It was a blonde to make a bishop kick a hole in a stained-glass window” (tạm dịch: Một ả tóc vàng đã khiến một vị linh mục đá thủng một lỗ trên cửa kính màu).

Trong Giấc Ngủ Dài (The Big Sleep) – tên của tác phẩm là cách gọi thông tục của các băng đảng chỉ cái chết – Marlowe được triệu đến nhà vị tướng già Sternwood: Carmen – đứa con gái phóng túng của ông này đang bị một gã bán sách mờ ám tống tiền. Tuy nhiên, The Big Sleep đã vượt quá giới hạn thể loại của nó, khiến W. H. Auden phải nhận định rằng các tiểu thuyết ly kỳ của Chandler “cần được đọc và nghiền ngẫm, không chỉ như một cách để trốn tránh thực tế mà như một tác phẩm nghệ thuật.”

Cốt truyện, vốn nổi tiếng với tính phức tạp của nó, nhanh chóng cuốn ta vào một thế giới của thói hoang dâm, cờ bạc và thế giới của bọn du thủ du thực Hollywood. Tác phẩm này không phải hoàn hảo, vẫn có đôi chỗ thiếu sót, rời rạc. Khi Howard Hawks quyết định chuyển thể tiểu thuyết này, ông đã hỏi tác giả: “Kẻ nào đã giết gã tài xế vậy?” Chandler trả lời rằng ông cũng không biết. Đối với ông, cốt truyện chỉ là yếu tố phụ, nhân vật, tâm trạng và không khí của tác phẩm mới là quan trọng.

Ghi chú về tác phẩm.

Chandler đã đăng truyện trinh thám đầu tay của ông lên tạp chí pulp fiction Black Mask vào cuối năm 1933. Sự chuyển hướng đột ngột này được ông giải thích với nhà xuất bản người Anh của ông như sau: “Tôi bắt đầu đọc tạp chí lá cải trong khi lang thang dọc bờ biển Thái Bình Dương với chiếc ô tô, chúng rất rẻ nên có thể vứt đi và bởi vì tôi chẳng có chút thời gian hay hứng thú nào dành cho kiểu tạp chí cho phụ nữ… và tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều đoạn văn khá chân thật và ấn tượng.” Từ đó đến năm 1938, năm ông bắt tay vào viết The Big Sleep, ông đã viết 21 truyện ngắn và vừa cho Black Mask để phát triển và rèn giũa ngòi bút. Bước vào lĩnh vực này khá muộn, với giới trong nghề, ông là một kẻ ngoài cuộc, một nam sinh viên tuổi trung niên từ trường công nước Anh lạc bước đến California. Nhưng ông đã bắt kịp rất nhanh. Nhân vật trong những câu chuyện ông viết thời kỳ đầu là những nguyên mẫu cho tác phẩm về thám tử Marlowe, cũng lấy bối cảnh Los Angeles, những cảnh sát tốt và xấu cùng với mớ tội phạm hỗn tạp những bạo lực, hút chích, tình dục và bia rượu.

Khi bắt tay vào viết The Big Sleep, Chandler đã “tái chế” những truyện trước đó của ông (theo cách nói của ông là “cannibalised”). Cốt truyện trung tâm của tiểu thuyết đến từ hai truyện Killer in the Rain (xb năm 1935) và The Curtain (xb năm 1936). Cả hai đều là những câu chuyện độc lập, không có một nhân vật chung nào nhưng có những nét tương đồng. Trong cả hai truyện đều có nhân vật một người cha cứng rắn phải đau lòng vì cô con gái quá phóng túng của ông. Chandler đã kết hợp hai người cha để tạo ra một nhân vật mới, với hai cô con gái cũng vậy. Ngoài ra, nhân vật của ông còn mượn từ những nguyên mẫu khác nữa. Carmen Sternwood chẳng hạn. Người vợ yêu dấu của ông, Cissy, đã từng làm mẫu ảnh khỏa thân khi còn trẻ và, cũng như Carmen, từng dùng thuốc phiện. Thói nghiện rượu của Marlowe phản ánh chính thói quen tiềm tàng trong Chandler. Hầu như trong mỗi cảnh tiểu thuyết của ông đều có một ai đó đốt thuốc hay nốc rượu.

The Big Sleep ra mắt vào mùa xuân năm 1939. Mặc dù có số lượng người hâm mộ văn chương khá đông đảo, bao gồm cả Somerset Maugham và sau đó là Edmund Wilson, ấn bản “the Knopf” (Mỹ) của tác phẩm này chỉ bán được khoảng 13.000 bản, dù doanh số ở Pháp và Anh có khá hơn. Tác phẩm chỉ bắt đầu thu hút được sự chú ý của độc giả quốc tế khi bộ phim chuyển thể của Howard Hawks ra mắt công chúng, Humphrey Bogart vào vai chính.

Đến tận năm 1959, năm Chandler qua đời, fan hâm mộ lớn từ Anh quốc của ông – Ian Fleming mới kín đáo bày tỏ một cái cúi đầu kính trọng. Đó là một cảnh trong tiểu thuyết của ông, sau cuộc chạm trán với Goldfinger, James Bond đi qua một sân bay, mua một quyển sách nói về golf và tác phẩm mới nhất của Chandler.

Hội thích truyện trinh thám

Bình luận về bài viết này