Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

David Bellos: Những gì người ta nói về dịch thuật

ismail kadare.jpg

Ismail Kadare, winner of the 2005 Man Booker international prize | Photo by Corbis

David Bellos (1945–) là giáo sư ngành văn học Pháp và văn học so sánh tại Đại học Princeton, nơi ông là giám đốc Chương trình Dịch thuật và Giao tiếp Liên văn hóa. Bản dịch các tác phẩm của Ismail Kadare đã đem lại cho ông giải Man Booker Quốc tế cho dịch giả năm 2005.

Những gì người ta nói về dịch thuật

Có một sự thật nổi tiếng là bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc.

Cũng hoàn toàn rõ ràng là điều này là sai lầm. Bản dịch cái thay thế cho văn bản gốc. Ta dùng nó thay cho một tác phẩm được viết bằng một thứ tiếng mà ta không đọc được dễ dàng.

Quan điểm bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc không chỉ là một niềm tin dân gian không đúng. Chúng ta cứ thoải mái nói những câu như “crime doesn’t pay” (đi đêm lắm có ngày gặp ma) hay “it never rains but it pours” (đã đen thì đen đủ đường) or “the truth will out” (cái kim trong bọc có ngày rồi sẽ lộ ra) dù rõ ràng trái ngược với bằng chứng—những tên mafia Nga tắm nắng trên bãi biển Côte d’Azur, mưa phùn ở Anh, và những bí mật gia đình không bao giờ lộ. Những câu ngạn ngữ kiểu này không cần phải đúng mới hữu dụng. Thông thường, chúng dùng để cảnh báo, an ủi, hoặc khuyến khích người khác trong những hoàn cảnh cụ thể, mà không thành lập một lý thuyết về công lý, một hệ thống dự báo thời tiết, hoặc khoa học tư pháp. Đó là lý do vì sao nói bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc chỉ lừa gạt những ai cho đó là một thực tế nổi tiếng. Quả là kinh ngạc khi bao nhiêu người rơi vào cái bẫy đó.

Khi ta nói “crime doesn’t pay” với một thanh niên bị bắt quả tang đang xoáy một chiếc DVD ở một gian chợ, chuyện ta tin câu này đúng hay không không quan trọng. Ta đang cố hướng chàng trai trẻ đến việc chấp nhận điều răn thứ tám và dùng một cụm từ cách nói thông thường để phục vụ cho mục tiêu đạo đức đó.

Tương tự, một giáo viên vừa bắt gặp sinh viên của mình đọc The Outsider bằng tiếng Anh khi chúng phải chuẩn bị bài bằng cách đọc cuốn tiểu thuyết này của Camus bằng tiếng Pháp cũng có thể lên giọng áp đặt khuyên bảo, “Bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc!” Đám sinh viên biết điều này là không đúng bởi vì chúng vừa bị bắt gặp đang dùng bản dịch như một sự thay thế cho bản gốc. Nhưng chúng cũng hiểu rằng giáo viên vừa dùng một niềm tin dân gian để nói một chuyện khác thực sự đúng—chỉ bằng cách đọc tiếng Pháp nhiều hơn chúng mới cải thiện được những kỹ năng ngôn ngữ của mình. Giáo viên muốn khích lệ chúng chăm chỉ hơn, chứ không phải nói lên sự thật về dịch thuật.

Đám sinh viên cuối cùng rồi sẽ tốt nghiệp và đi làm, và chẳng bao lâu một số bắt đầu viết điểm sách. Trong những trường hợp đó, khi bắt đầu viết về một tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Anh và không biết nói gì, có thể chúng sẽ nhắc lại lời cảnh báo mà chúng nghe được lần đầu ở trường. Giống như tất cả mọi thứ người ta nói và viết, tuy nhiên, sức mạnh của câu nói “bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc” sẽ thay đổi hoàn toàn khi bối cảnh của câu nói thay đổi.

Trong bối cảnh mới của nó, nó có nghĩa là người viết điểm sách có đủ kiến thức về bản gốc để có thể đưa ra đánh giá rằng bản dịch của nó không phải là cái thay thế cho nó. Dù người điểm sách đã thực sự đọc tác phẩm gốc hay chưa thì lời khẳng định rằng bản dịch không phải là cái thay thế cho nó cũng đặt trách nhiệm lên người điểm sách.

Sử dụng câu ngạn ngữ đó trong cách này rõ ràng có ảnh hưởng lên ý nghĩa của từ thay thế. Ví dụ, nếu tôi nói, “Cà phê hòa tan không phải là cái thay thế cho espresso pha bằng hạt cà phê mới xay,” thì tôi sẽ sai, sai theo nghĩa mục đích của cà phê hòa tan là để thay thế cho những cách pha cà phê tốn thời gian công sức hơn; nhưng tôi cũng đúng, miễn là từ thay thế được hiểu theo nghĩa “giống như,” “tốt như,” hay “tương đương.” Cà phê hòa tan rõ ràng không giống espresso; nhiều người xem nó không ngon bằng espresso; và bởi vì sở thích trong lĩnh vực cà phê là vấn đề thị hiếu cá nhân, nên không phải là vô lý nếu coi cà phê bột không tương đương với espresso. Chúng ta vẫn thường nói những điều rõ ràng hơn như thế này về cà phê. Nhưng về dịch thuật thì không quá đơn giản như thế.

Những người nói bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc hàm ý rằng họ có phương tiện để nhận biết và đánh giá cái nguyên bản, tức là bản gốc so với bản dịch. Không có khả năng này thì họ không thể nào nói cái họ vẫn nói. Cũng giống như việc không có khả năng phân biệt hai loại cà phê sẽ tước khỏi bạn khả năng so sánh chúng, khả năng phân biệt “bản dịch” và “bản gốc” là một yêu cầu cơ bản đối với bất cứ ai muốn tuyên bố rằng bản này giống như, tương đương, hay hay như bản kia.

Trên thực tế, chúng ta nhìn vào trang bìa, áo sách, hoặc trang bản quyền của một cuốn sách hoặc dòng thông tin ở cuối một bài báo để biết có phải chúng ta đang đọc bản dịch hay không. Nhưng nếu không có những thông tin như vậy, liệu độc giả trên thực tế có thể phân biệt, bằng mùi vị trên những cái lưỡi ngôn ngữ và văn chương của họ, một văn bản nào đó là “bản gốc” hay “bản dịch” hay không? Chắc chắn không. Vô số nhà văn đã thể hiện bản gốc như bản dịch và bản dịch như bản gốc và họ chẳng sao cả trong hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng thế kỷ.

Fingal, an Ancient Epic Poem in Six Books xuất hiện trước sự đón nhận tích cực năm 1762. Trong nhiều thập niên, nó được xem là cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào nền văn hóa cổ xưa của những cư dân nguyên thủy ở rìa Tây Bắc châu Âu. Những nhân vật lỗi lạc như Napoleon và uyên bác như triết gia người Đức Johann Gottfried von Herder bị mê hoặc trước thơ ca dân gian đích thực của “thi sĩ xứ Gaels.” Nhưng họ đã lầm. Câu chuyện về Ossian không được sáng tạo bởi nhà thơ người Celts nào cả. Chúng được viết bằng tiếng Anh bởi một nhà thơ nhỏ tên là James Macpherson.

Horace Walpole có vận may ngắn ngủi hơn. Trong lời giới thiệu ấn bản đầu của cuốn The Castle of Otranto (1764) ông nói cuốn tiểu thuyết này chỉ là bản dịch của một tác phẩm tiếng Ý được xuất bản lần đầu năm 1529, và ông hứa sẽ công bố nó nếu tác phẩm của ông thành công. Nó đã thành công—trên thực tế, nó là một cuốn bán chạy và sinh ra cả một thể loại văn chương gọi là “truyện kinh dị Gothic.” Người ta cần ấn bản thứ hai, thế nên tác giả đã phải thừa nhận. Ông không thể viết ra bản gốc tiếng Ý, vì làm gì có. Vậy là ông cũng viết “bản dịch” của mình bằng tiếng Anh.

Những cú lừa thậm chí vĩ đại hơn còn điểm xuyết lịch sử của nhiều nền văn chương. The Letters of a Portuguese Nun, xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1669, ngụ ý là một bản dịch, dù bản gốc chưa bao giờ được viết ra. Cuốn sách tinh thần tinh tế này đã thu hút độc giả trong ba thế kỷ và được dịch từ tiếng Pháp sang nhiều ngôn ngữ khác—một bản được Rainer Maria Rilke dịch sang tiếng Đức mà chưa bao giờ ngờ rằng ông đã ăn phải vố. Những lá thư này trên thực tế được viết bằng tiếng Pháp bởi Guilleragues, một người bạn của Jean Racine. Mãi đến năm 1954 cú lừa này mới được làm sáng tỏ.[1]

Một ví dụ gần đây hơn của bản dịch giả trong tiếng Pháp là của Andreï Makine, người có ba tiểu thuyết đầu tiên, xuất bản từ năm 1990 đến năm 1995, được thể hiện như những tác phẩm được dịch từ tiếng Nga của nhà văn không có thật Françoise Bour. Năm 1995 tờ Le Monde tiết lộ chúng là bản gốc tiếng Pháp và qua đó mở đường cho cuốn tiểu thuyết thứ tư của Makine, Le Testament français, giành giải Goncourt, giải thưởng chỉ được trao cho các nhà văn Pháp.

Khó mà giết được các bản dịch giả một khi chúng đã ra đời. Ở nước Nga Xô viết, nhà thơ Emmanuel Lifshitz cảm thấy mình có thể thể hiện bản thân trọn vẹn hơn bằng cách viết như thể mình là một người khác—như James Clifford, một người Anh không tồn tại. Đăng lần đầu trên The Batum Worker, hai mươi ba bài thơ tự nhận là dịch từ tiếng Anh được in ở Moskva với một tiểu sử ngắn của nhà thơ, cố gắng tiết lộ trò chơi trong câu kết: “Trên đây là tiểu sử của nhà thơ người Anh này, người lớn lên trong trí tưởng tượng của tôi và được vật chất hóa trong những bài thơ với những bản dịch mà tôi đề nghị các bạn xem xét đây.”[2] Nhưng ngay cả những manh mối lớn như thế cũng có thể dễ dàng bị bỏ qua bởi các độc giả thực sự muốn tin họ có thể biết được sự khác biệt giữa bản gốc và bản dịch. Lifshitz không đưa những bài thơ Clifford vào tập thơ của chính mình, và đó có lẽ là lý do James Clifford đã sống trong giới văn chương như một nhà thơ Anh nổi tiếng trong nhiều năm. Trong cuộc trò chuyện với Lifshitz, Yevgeny Yevtushenko nhắc lại ông còn nhớ rõ gã người Anh u sầu kia như thế nào—một gã thực sự kỳ cục.[3]

Ví dụ về quá trình ngược, bản dịch giả là bản gốc, có lẽ có vô số. Ba tiểu thuyết của nhà văn kiêm nhà ngoại giao biết nhiều thứ tiếng Romain Gary tự nhận là viết bằng tiếng Pháp (Lady L., 1963; Les Mangeurs d’étoiles, 1966; và Adieu Gary Cooper, 1969) thực ra được viết và xuất bản bằng tiếng Anh (Lady L, 1958; The Talent Scout, 1961; và The Ski Bum, 1965) rồi được một biên tập viên cao cấp ở nhà xuất bản tiếng Pháp của Gary dịch sang tiếng Pháp một cách bí mật. Có bao nhiêu bản dịch bị hiểu lầm là bản gốc và chưa bao giờ bị lộ? Không thể nào có chuyện cú lừa nào kiểu này cũng đã bị vạch mặt.

Các tác giả có nhiều lý do để muốn giả bản gốc là bản dịch và bản dịch là bản gốc. Đôi khi nó giúp tránh kiểm duyệt, đôi khi nó là thử một bản sắc mới. Nó có thể phục vụ cho những ảo tưởng cá nhân hoặc tập thể về tính xác thực về dân tộc hay ngôn ngữ, và nó có thể được thực hiện chỉ để thỏa mãn thị hiếu chuộng cái lạ của công chúng. Điều mà những cú lừa này nhấn mạnh là chỉ đọc không thì không thể nào biết có phải tác phẩm vốn được viết bằng ngôn ngữ mà bạn đang đọc hay không. Khác biệt giữa bản dịch và bản gốc không như khác biệt giữa cà phê bột và cà phê phin. Nó không chỉ là một ý tưởng mà còn hơn thế. Nhưng nó không hề dễ chứng minh.

Quan niệm cho rằng bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc cũng phải chịu một phê phán khác. Nếu câu ngạn ngữ này là đúng thì những người dùng bản dịch nhận được gì từ việc đọc bản dịch? Rõ ràng không phải là cái nguyên bản. Nhưng họ thậm chí cũng không nhận được cái thay thế cho nó—thậm chí không nhận được cái tương đương cà phê bột trong văn chương. Khẳng định bản chất không thể thay thế được của một nguyên bản văn chương là buộc những người không thể đọc được ngôn ngữ đó phải dùng nước rửa bát thay vì Nescafé. Không ý kiến nào đáng ghi nhận trừ ý kiến của những người đọc các tác phẩm bằng nguyên bản.

Nhưng những ví dụ của Cervantes (Don Quixote nói là được dịch từ tiếng Ả Rập), Walpole, Macpherson, Gary, Guilleragues, Makine, Clifford, và vô số người khác chứng tỏ rằng không ai có thể chắc chắn cái anh ta đang đọc có phải là bản gốc hay không.

Ismail Kadare kể một câu chuyện khác về sự khác biệt giữa bản gốc và bản dịch trong cuốn tiểu thuyết-hồi ký của ông, Chronicle in Stone. Năm mười tuổi, ông bị mê hoặc bởi một cuốn sách mà bác ông cho ông. Với câu chuyện về những con ma, lâu đài, giết người, và sự phản bội, nó hấp dẫn ông vô cùng, đặc biệt là khi nó dường như giải thích được một số chuyện diễn ra xung quanh ông trong thành phố pháo đài Gjirokastër trong những năm trước chiến tranh và nội chiến. Nhan đề của cuốn sách đó? Macbeth, của William Shakespeare. Cậu bé Ismail có thể thấy Lady Macbeth xuống phố, vắt tay trên ban công, giũ đi những chuyện khủng khiếp diễn ra trong nhà mình. Ông không hề biết vở kịch vốn được viết bằng tiếng Anh. Trong niềm đam mê con trẻ với một cuốn sách mà ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần, Kadare chép lại bằng tay bản dịch mà ông không biết là bản dịch, và ngày nay, khi những người phỏng vấn hỏi cuốn sách đầu tiên mà ông viết là gì, ông luôn trả lời, với chỉ nửa nụ cười, rằng đó là Macbeth. Đến ngày nay, Kadare vẫn chưa học tiếng Anh, nhưng ông coi Macbeth là kinh nghiệm nền tảng của cuộc đời ông trong văn chương. Bất kể chất lượng của bản dịch đã truyền cảm hứng rất lớn cho ông có thế nào thì rõ ràng là nó đã không có tác dụng của nước rửa bát. Nó giống một thứ nước thánh hơn.

Vậy thì tại sao người ta vẫn nói bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc? Có thể hình dung được là câu ngạn ngữ này có thể sẽ hữu dụng với những ai liên tục tránh đọc bất cứ thứ gì bằng bản dịch, vì nó sẽ biện minh cho và giải thích việc làm của họ. Nhưng vì không có cách thức đáng tin cậy nào nhằm phân biệt bản dịch với bản gốc chỉ bằng những tiêu chí nội văn bản, những người theo chủ nghĩa thuần túy như vậy không bao giờ chắc chắn họ có luôn làm đúng quan điểm của mình hay không. Và ngay cả nếu bằng vận may nào đó họ tránh được mọi tác phẩm trừ bản gốc trong sự đọc của mình, cuối cùng rồi họ sẽ chỉ có một góc nhìn đặc biệt riêng biệt về thế giới—nếu là độc giả tiếng Anh, họ sẽ không có kiến thức về Kinh Thánh, Tolstoy, hay Planet of the Apes. Tất cả những gì mà câu ngạn ngữ này thực sự làm chỉ là đem lại vỏ bọc giả mạo cho quan điểm cho rằng bản dịch là một thứ hạng hai. Đấy là cái người ta thực sự muốn nói khi họ khẳng định rằng bản dịch không phải là cái thay thế cho bản gốc.

David Bellos, “Things People Say About Translation” (Chapter four), in Is That A Fish In Your Ear? Translation and the Meaning of Everything (New York: Faber & Faber, 2011).

Copyright © 2011 by David Bellos | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

[1] Về toàn bộ câu chuyện này, xem Leo Spitzer, Essays on Seventeenth-Century French Literature, trans. and ed. David Bellos (Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1983), 253–84.

[2] Được trích trong Lev Loseff, On the Beneficence of Censorship: Aesopian Language in Modern Russian Literature (Munich: Otto Sagner, 1984), 78.

[3] Lev Loseff, “The Persistent Life of James Clifford: The Return of a Mystification,” Zvezda (January 2001), bản tiếng Nga.

Leave a comment

Information

This entry was posted on January 25, 2017 by in Dịch thuật and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.