Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

“Câu chuyện đời chúng ta” – Mark Strand

strand.jpg

Mark Strand (1934–2014) là nhà thơ người Mỹ. Ông được trao giải Rebekah Johnson Bobbitt năm 1992, giải Bollingen năm 1993, giải Pulitzer cho thơ năm 1999, và giải Wallace Stevens năm 2004, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1990 đến năm 1991.

Câu chuyện đời chúng ta

1.

Chúng ta đang đọc câu chuyện đời mình
diễn ra trong một căn phòng.
Căn phòng nhìn ra một con phố.
Chẳng có ai ở đó,
chẳng âm thanh của bất cứ điều gì.
Những cái cây rậm rạp lá,
những chiếc xe đỗ không nhúc nhích bao giờ.
Chúng ta cứ lật sang trang, hy vọng điều gì,
điều gì như ân huệ hay thay đổi,
một vạch kẻ đen gắn kết chúng ta
hoặc giữ chúng ta xa lìa.
Cái cách của nó, có vẻ
cuốn sách đời chúng ta trống rỗng.
Nội thất trong phòng không bao giờ suy suyển,
và những tấm thảm tối hơn mỗi lần
bóng chúng ta phủ qua.
Nó gần như thể căn phòng là thế giới.
Chúng ta ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài,
đọc về chiếc ghế dài.
Chúng ta nói nó là lý tưởng.
Nó là lý tưởng.

2.

Chúng ta đang đọc câu chuyện đời mình
như thể chúng ta ở trong đó,
như thể chúng ta viết nó.
Chuyện này xuất hiện lần này đến lần khác.
Ở một chương
tôi ngả người và đẩy cuốn sách sang một bên
bởi vì cuốn sách nói
nó là những gì tôi đang làm.
Tôi ngả người và bắt đầu viết về cuốn sách.
Tôi viết rằng tôi muốn vượt ra khỏi cuốn sách.
Ra khỏi đời tôi vào một cuộc đời khác.
Tôi đặt bút xuống.
Cuốn sách nói: Anh đặt bút xuống
và quay sang và ngắm cô đọc
phần nói về bản thân cô phải lòng người khác
.
Cuốn sách chính xác hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng.
Tôi ngả người và ngắm em đọc
về người đàn ông bên kia phố.
Người ta xây một ngôi nhà ở đó,
và một ngày một người đàn ông bước ra từ đó.
Em phải lòng anh ta
vì em biết anh ta sẽ không bao giờ thăm em,
sẽ không bao giờ biết em đang đợi.
Đêm này qua đêm khác em sẽ nói
rằng anh ta giống tôi.
Tôi ngả người và ngắm em già đi mà không có tôi.
Ánh nắng rơi trên mái tóc bạc.
Những tấm thảm, đồ nội thất,
có vẻ gần như không có thật bây giờ.
Cô tiếp tục đọc.
Dường như cô xem sự vắng mặt của anh
chẳng có gì đặc biệt quan trọng,
như ai đó vào một ngày hoàn hảo sẽ xem
thời tiết là một thất bại
vì nó chẳng thay đổi tâm trí anh ta
.
Em nheo mắt lại.
Em có thôi thúc gấp lại cuốn sách
nó mô tả sự phản kháng của tôi:
khi ngả người tôi tưởng tượng thế nào
cuộc đời không em, tưởng tượng tôi đi
vào một cuộc đời khác, một cuốn sách khác.
Nó mô tả sự lệ thuộc của em vào mong muốn,
làm thế nào những tiết lộ nhất thời
về mục đích khiến em sợ hãi.
Cuốn sách mô tả nhiều hơn những gì nó nên mô tả.
Nó muốn chia rẽ đôi ta.

3.

Sáng nay tôi dậy và tin
cuộc đời chúng ta chẳng còn gì nữa
ngoài câu chuyện đời mình.
Khi em không đồng ý, tôi chỉ
đến đoạn trong cuốn sách nơi em không đồng ý.
Em ngủ tiếp và tôi bắt đầu đọc
những đoạn bí ẩn mà em thường đoán
trong khi chúng đang được viết
và mất hứng thú sau khi chúng trở thành
một phần của câu chuyện.
Trong một đoạn bộ trang phục lạnh lẽo của ánh trăng
phủ lên những chiếc ghế trong căn phòng một người đàn ông.
Anh ta mơ về một người phụ nữ có trang phục bị mất,
người ngồi trong vườn và đợi.
Cô tin tình yêu là một sự hy sinh.
Phần này mô tả cái chết của cô
và cô không bao giờ được gọi tên,
một trong những điều
ta không chịu đựng được về cô.
Một lúc sau chúng ta biết
người đàn ông trong mơ sống
trong ngôi nhà mới bên kia phố.
Sáng nay sau khi em ngủ tiếp
tôi bắt đầu lật về những trang đầu cuốn sách:
nó giống như mơ về tuổi thơ.
quá nhiều thứ dường như tan biến,
quá nhiều thứ dường như một lần nữa trở lại cuộc đời.
Tôi không biết phải làm gì.
Cuốn sách nói: Trong những thời khắc ấy nó là cuốn sách của anh.
Một chiếc vương miện ảm đạm nằm bấp bênh trên đầu.
Anh là nhà cai trị ngắn ngủi của bất hòa, lo lắng
bên trong và bên ngoài trong vương quốc của chính mình.

4.

Trước khi em dậy
tôi đọc một phần khác mô tả sự vắng mặt của em
và kể làm thế nào em ngủ để đảo ngược
tiến trình của cuộc sống.
Tôi xúc động trước nỗi cô đơn của chính mình khi đọc,
biết rằng những gì mình cảm thấy thường là hình thức thô sơ
và bất thành của một câu chuyện
có thể không bao giờ được kể.
Anh muốn thấy cô trần truồng và dễ bị tổn thương,
thấy cô trong sự chối bỏ, những cốt truyện bị phế bỏ
của những giấc mơ cũ, những bộ trang phục và những chiếc mặt nạ
của những trạng thái không thể nào đạt được.
Như thể anh bị cuốn
một cách không thể nào cưỡng lại vào thất bại.

Khó mà tiếp tục đọc.
Tôi mệt và muốn bỏ cuộc.
Cuốn sách dường như ý thức được điều này.
Nó ra hiệu thay đổi chủ đề.
Tôi chờ em dậy mà không biết
tôi đã đợi bao lâu,
và có vẻ như tôi không còn đọc.
Tôi nghe tiếng gió thổi qua
như một chuỗi thở dài
và tôi nghe tiếng rùng mình của lá
trên những cái cây bên ngoài cửa sổ.
Nó sẽ ở trong cuốn sách.
Mọi thứ sẽ ở đó.
Tôi nhìn vào khuôn mặt em
và tôi đọc đôi mắt, cái mũi, cái miệng…

5.

Giá mà có một thời khắc hoàn hảo trong cuốn sách;
giá mà chúng ta có thể sống trong khoảnh khắc đó,
chúng ta có thể là cuốn sách một lần nữa
như thể chúng ta chưa từng viết nó,
như thể chúng ta không ở trong đó.
Nhưng những lối vào tăm tối
đến bất kỳ trang nào thì quá nhiều
mà lối thoát thì quá hẹp.
Chúng ta đọc xuyên ngày.
Mỗi lần sang trang như một cây nến
đi qua tâm trí.
Mỗi khoảnh khắc như một nguyên cớ vô vọng.
Giá mà chúng ta có thể ngừng đọc.
Anh không bao giờ muốn đọc một cuốn sách khác
và cô cứ nhìn chằm chằm ra phố.
Những chiếc xe vẫn còn ở đó,
những bóng cây dày đặc bao trùm lên chúng.
Những chiếc bóng bị kéo vào ngôi nhà mới.
Có lẽ người đàn ông sống ở đó,
người đàn ông cô yêu, đang đọc
câu chuyện của một cuộc đời khác.
Cô hình dung một căn phòng trống
một lò sưởi lạnh, một người người đàn ông ngồi
viết thư cho một người phụ nữ
đã hy sinh cuộc đời mình cho tình yêu.
Nếu có một khoảnh khắc hoàn hảo trong cuốn sách,
nó sẽ là khoảnh khắc cuối cùng.
Cuốn sách không bao giờ bàn đến những nguyên cớ của tình yêu.
Nó tuyên bố hoang mang là một cái tốt cần thiết.
Nó không bao giờ giải thích. Nó chỉ tiết lộ.

6.

Ngày vẫn tiếp tục.
Chúng ta ngẫm nghĩ những gì mình nhớ.
Chúng ta nhìn vào gương bên kia căn phòng.
Chúng ta không thể chịu được cảnh ở một mình.
Cuốn sách tiếp tục.
Họ trở nên im lặng và không biết làm thế nào để bắt đầu
cuộc đối thoại cần thiết.
Lời lẽ chính là thứ ban đầu tạo ra chia rẽ,
thứ tạo ra nỗi cô đơn.
Họ chờ
họ sẽ lật sang trang, hy vọng
điều gì đó xảy ra.
Họ sẽ vá víu đời mình trong bí mật:
mỗi thất bại được tha thứ vì nó không thể nào được kiểm chứng,
mỗi nỗi đau được tưởng thưởng vì nó không có thật.
Họ không làm gì.

7.

Cuốn sách sẽ không sống sót.
Chúng ta là bằng chứng sống của điều đó.
Bên ngoài trời tối, trong phòng tối hơn.
Tôi nghe tiếng em thở.
Em đang hỏi có phải tôi mệt mỏi,
có phải tôi muốn đọc tiếp.
Phải, tôi mệt mỏi.
Phải, tôi có muốn đọc tiếp.
Tôi nói phải với mọi thứ.
Em không thể nghe thấy tôi.
Họ ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài.
Họ là những bản sao, những bóng ma mệt mỏi
của cái họ từng là trước đây.
Họ mang thái độ chán ngán.
Họ nhìn chằm chằm vào cuốn sách
và hoảng sợ trước sự ngây thơ của mình,
sự miễn cưỡng từ bỏ của mình.
Họ ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài.
Họ đã quyết tâm chấp nhận sự thật.
Bất kể nó là gì họ cũng sẽ chấp nhận.
Cuốn sách sẽ phải được viết
và sẽ phải được đọc.
Họ là cuốn sách và họ là
không gì khác.

Mark Strand, “The Story Of Our Lives,” The Story Of Our Lives: Poems (Atheneum, 1973). This poem was first published in The New Yorker ().

Copyright © 1972 by Mark Strand | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Leave a comment

Information

This entry was posted on November 14, 2016 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.