Juillet Café – Chủ Quán và Cô Nhà Văn

Tác Giả: Jaes K./Mạc Nhất Thuyết

Hoàn thành:
4/2014

Chỉnh sửa: 3/2015

Thể loại: Drama

Độ tuổi: K

Chú ý: Từng được đăng tại vnsharing.net

———————————————————

.::Chủ quán và cô nhà văn::.

Câu chuyện về một cô nhà văn trẻ.

Người ta nói thế giới của cô là vô âm.

Cô nói, thế giới của cô đang đắm chìm trong tiếng nhạc của anh – âm thanh cảm xúc.

Cửa mở. Tiếng chuông kêu leng keng. Gió thổi vào mang theo mùi nắng đầu mùa. Vị khách xuất hiện. Cô gái trẻ lướt qua người bồi bàn đang định mở miệng, tiếng gót giày ổn định nện xuống sàn nhà lát gạch. Đến thẳng bên quầy tiếp tân, cô gọi loại trà mình vẫn thường dùng rồi bước về phía chỗ mình vẫn thường ngồi. Việc này chưa bao giờ thay đổi trong suốt hai năm qua. Đều đặn như được lập trình.

Ngồi yên trên chiếc ghế dựa tròn, cô chống tay vào cằm, lặng lẽ nhìn cả căn phòng. Mới đầu, khi người ta chưa quen với sự có mặt của cô, nhiều người cảm thấy khó chịu. Dần dà, cái khó chịu ấy chưa hẳn đã mất đi, nhưng cũng quen rồi nên không để ý nữa. Còn với cô, thế giới xung quanh đã đóng sầm lại phía sau cánh cửa khi cô bước vào đây. Tất cả chỉ còn là hình ảnh về những con người đang cử động, về những nét mặt vui buồn bên khói trà nghi ngút hay những tách cà phê đậm mùi.

– Đã để cô phải đợi lâu. – Cô không phản ứng gì cho tới khi tôi đặt tách trà xuống bàn. Cô ngẩng lên nhìn tôi.

– Vất vả cho anh rồi. – Khẽ cười. Cô mấp máy môi.

– Không có gì.

Tôi trả lời theo thói quen rồi kéo chiếc ghế đối diện cô, ngồi xuống như mọi lần. Trên bàn giờ xuất hiện vài tờ giấy trắng, mấy cây bút chì gỗ đượt vót nhọn và cục tẩy mòn đầu. Cô lại chuẩn bị tất cả, từ trước khi tôi có mặt rồi chờ đợi những câu hỏi của tôi, trong khi vẫn tiếp tục quan sát những gì đang diễn ra xung quanh.

Cầm lấy một cây bút gần nhất, tôi viết. Chúng tôi luôn giao tiếp với nhau bằng cách này, và chỉ chúng tôi với nhau. Cô không thích bị chú ý, còn tôi muốn giữ nó cho riêng mình.

Cô đã mất đi khả năng nghe từ hơn hai năm trước, sau một vụ tai nạn xe cộ. Quá trình điều trị vết thương ngoài da và tổn thương tâm lí kéo dài hơn nửa năm trong bệnh viện. Bởi vì khiếm khuyết của bản thân, phần lớn thời gian cô ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết, lúc đi chợ và những ngày đến quán cà phê này. Dần dần, cô tự tạo cho mình thói quen làm việc theo một kế hoạch đặt sẵn, chỉ nói vài từ ngắn và không giao tiếp nhiều.

Thay vì nghe, cô nhìn, và thay vì nói, cô viết.

“Dạo này cô tới thường xuyên hơn.”

Tôi truyền tờ giấy cho cô. Cô nhìn rồi “đáp”:

“Nghỉ hè rồi. Tôi rỗi.”

“Kể cả khi hôm nay trời nắng to?”

Cô gật đầu, ánh mắt lại nhìn sang phía khác. Là vậy đấy, mùa xuân tới một lần một tuần, mùa hè tới ba lần một tuần, mùa thu tới bốn lần một tuần, mùa đông thì ngày nào cũng tới. Trời có nắng gắt hay mưa to gió lớn, cô vẫn cứ đến, dù là sáng tinh mơ hay tối mịt mù. Còn cửa hàng thì vẫn luôn mở cửa chờ cô bất kể khuya sớm.

Bỏ qua những suy nghĩ trong đầu, tôi tiếp tục viết câu hỏi của mình, nhưng ngừng giữa chừng bởi cô đưa cho tôi một cuốn sách với hàm ý: “Đọc đi, đừng nói nữa. Tôi bận.”

Mỗi lần cầm trong tay cuốn sách của cô là một lần tôi nín thở chờ đợi những bất ngờ sẽ xảy đến trên từng trang giấy. Nó cuốn tôi vào một thế giới muôn hình vạn trạng, thế giới mà chính chúng ta đang sống. Thật khó có thể tin được, người con gái yếu đuối ngồi trước mặt tôi đây lại có thể viết ra những câu chuyện chém giết, máu me, nơi cái ác ngự trị và nhân vật chính lạnh lùng hạ lưỡi gươm kết liễu kẻ thù. Nơi này đã không còn phân biệt chính và tà. Ranh giới của chúng mong manh như một sợi chỉ có thể đứt bất cứ lúc nào. Không thể tìm thấy trong câu chuyện của cô một nhân vật hoàn toàn lương thiện. Khi được hỏi cô trả lời, con người vốn sinh ra bởi sự kết hợp giữa thiện và ác. Nhìn ở góc độ này, ta thấy họ là người thật tốt. Nhưng nhìn ở góc độ khác, ta thấy họ ác độc hơn ai hết. Thay vì chìm đắm trong những lời ngợi ca về những thiếu niên anh hùng hay tấm lòng quả cảm, cô khắc họa nên một thế giới của những con người nước lấm bùn lem, rồi từ trong màn đêm sâu thẳm, cô khơi lên trong họ một ánh mặt trời hy vọng.

Tôi có từng hỏi cô:

“Viết như vậy không sợ người ta chê trách sao?”

 

Khi ấy cô đã trả lời:

“Tôi viết văn là để thể hiện suy nghĩ của mình. Tôi hỏi anh, giả như anh gặp nạn, được một người cứu giúp. Người này cũng đối xử rất tốt với anh, tận tình chăm sóc anh, nhưng sau đó mới biết người này từng là một phạm nhân. Ra tù rồi vẫn bị xã hội ruồng bỏ, căm ghét, quy án, kết tội. Vậy anh có nghĩ thế không?”

Tôi nhìn cô, suy nghĩ, nhưng chưa kịp trả lời cô đã tiếp:

“Cái người ta thấy không quan trọng. Điều quan trọng là anh thấy là gì. Và tôi viết văn cũng vậy.”

Rời mắt khỏi trang sách, tôi ngắm cô. Không quá xinh đẹp như người ta mong đợi. Đôi mắt màu nâu sẫm luôn nhìn mọi việc bằng thái độ bàng quan; mái tóc đen chấm vai khi được để xõa, khi đươc búi lên một cách vội vã bằng cây bút chì. Cô cao vừa phải, hơi gầy nhưng lại thích mặc quần áo rộng thùng thình khiến người ta cảm thấy cô như đang bơi trong đống vải trắng lùng bùng trên người.

“Anh nhìn gì thế.” Cô phát hiện ra rồi.

Tôi lắc đầu, cười, tiếp tục đọc cuốn sách cô đưa. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi lại ngẩng lên, cầm bút viết.

“Vẫn không có âm thanh à?”

Câu hỏi ám chỉ nội dung cuốn sách cô viết. Vẫn là những câu chuyện câm, chỉ có sắc mà không có thanh. Cô bảo bởi cô không nghe được nữa, cũng không còn nhớ những âm thanh mình đã từng nghe trong quá khứ. Vậy sao phải bịa đặt chúng trong những tác phẩm này? Truyện của cô đã có thừa yêu tố ảo tưởng rồi nên cô muốn sử những gì cảm xúc chân thật nhất như một cách trân trọng độc giả.

“Nhưng cô cũng nên thử. Văn học là tưởng tượng.”

Cô gật đầu tán thành, rồi lại lắc đầu.

“Nhưng tôi không muốn.”

“Một chút cũng không?”

Lưỡng lự.

“Có lẽ có.” Cô nghĩ.

“Là gì?” Tôi viết vội, nóng lòng muốn nghe câu trả lời.

– Cảm xúc. – Cô gượng gạo bật ra hai chữ.

“Âm thanh của cảm xúc.” Cô tiếp tục đưa bút trên giấy trắng. Mắt cô thoáng buồn. “Khi còn nghe được, tôi đã không bao giờ để ý tới chúng. Luôn tìm một thứ âm thanh cao siêu nào đó mà quên mất nó.”

“Quên?”

“Hoặc là cố tình quên mất nó.” Một nhịp dừng. “Tôi không thích vướng vào chuyện tình cảm, lại không phải là người để ý tới cảm xúc của người khác. Bạn bè vẫn nói tôi vô tâm.”

Nhìn người con gái trước măt, một dòng cảm xúc nghẹn lại trong lồng ngực. Cô vui cười, cô náo nhiệt nhưng ẩn bên trong là trái tim băng giá. Tôi tự hỏi là do vụ tai nạn hay từ trước đấy, cô đã không mở lòng với bất cứ ai.

Bất giác, tôi không biết phải trao đổi gì tiếp. Tôi bị kẹt lại, bị khóa chặt trong chiếc lồng của ngôn từ, của những gì cô vừa thổ lộ. Không phải cô đơn. Không phải sự lạnh lẽo. Đó là một nỗi ám ảnh không nguôi suốt hai năm trời, cả khi ngủ lẫn khi thức. Chỉ cần một phút thư giãn, khi đầu óc ngơi nghĩ về bất cứ điều gì, chúng lại ập về.

Cô chợt lay tay tôi. Hiếm khi cô bắt đầu gợi chuyện như vậy. Hay cô gọi tôi có việc gì?

“Lâu rồi anh không đàn?” Cô xoay tờ giấy thẳng trước mặt tôi.

Nhìn chiếc đàn cánh dơi vẫn đứng im ở giữa căn phòng, tôi chợt buông tiếng thở dài.

“Mỗi lần thở dài, anh sẽ mất đi một năm tuổi thọ.” Cô nhìn thẳng vào tôi với vẻ mặt nghiêm túc nhưng trong ánh mắt lại thoáng chút đùa cợt.

Cười mỉm. Rồi cười thành tiếng. Tôi cười.

“Đàn đang hỏng dây.”

Tôi viết bừa. Đã lâu rồi tôi chưa nhìn tới nó, mà nếu không hỏng dây thì chắc tối nay tôi sẽ nghịch dại để nó hỏng thật.

“Tôi thích tiếng đàn của anh.”

“Thích? Cô đâu có nghe được đâu.” Cười chua chát.

“’Nghe’ được chứ.” Cô cười tủm tỉm thích thú pha lẫn một chút cao ngạo. “Nhưng tôi cũng muốn được nghe một lần, cả giọng anh nữa…” Ngừng một lúc. “Và cả cảm xúc của anh.”

“Tôi” Còn chưa viết xong tôi đã phải đặt vội bút xuống khi thấy người phục vụ gọi. Tôi nhìn cô, và cô gật đầu.

Đứng dậy khỏi ghế, tôi vội hướng về phía quầy bar, nhưng đi chưa được bao xa, tôi dừng bước, lưỡng lự. Tôi không quay lại, chỉ nói vừa đủ nghe:

– Xin lỗi cô…

Tôi không muốn cô nhìn thấy vẻ mặt mình lúc này, và cũng không biết vẻ mặt cô ra sao.

Trong giây lát ấy, cô đã ngẩng lên nhìn tôi đầy tò mò, như biết tôi đang nói gì.

Một thời gian dài sau đó, tôi tránh mặt cô.

– Ông chủ, có fax mới từ số lạ lắm.

– Cậu cứ để đấy tôi xem.

Đặt chiếc ly và khăn lau lên mặt đá đen của quầy, tôi bước nhanh vào phòng, nhìn thấy một bản fax nằm ngay ngắn trên bàn.

“Ốm. Mang đến cho tôi.”

Viết kiểu này chỉ có thể là cô. Vẻn vẹn có vài từ, bị cắt xén tới mức tối đa thành ra tối nghĩa. Câu chữ không khách sáo, rườm rà mà vào thẳng vấn đề. Không tên tuổi. Không địa chỉ. Cậu bồi bàn không hiểu tờ fax này cũng là điều dễ hiểu.

Tôi nhìn lại câu đầu trên tờ giấy. “Ốm”. Không phải lần đầu, nhưng hiếm và thường đến không đúng lúc. Đặc biệt những lúc như thế này, khi tôi không biết phải đối mặt với cô ra sao. Thở dài. Dù có tự chửi rủa bản thân bao lần về sự hèn nhát dường như đã ăn vào máu ấy, tôi cũng vẫn không sửa đổi được.

Mở cửa bước vào, tôi ngó quanh. Cô đang ngủ trên chiếc sofa lớn đặt giữa nhà. Xung quanh cô la liệt sách và bản thảo. Tôi dọn qua, xếp chúng sang một bên tạo ra một lối đi vừa đủ, rồi ngồi xuống và chờ đợi. Trong phòng chỉ còn nghe tiếng đồng hồ chạy đều, thi thoảng là tiếng còi xe bên ngoài cửa sổ. Sự tĩnh lặng bao trùm, thậm chí tiếng thở cũng quá nhẹ để có thể nghe rõ. Tôi chống một tay lên ghế, mơ màng nhìn cô rồi thiu thiu ngủ. Trước mắt còn lờ mờ hình ảnh một khuôn mặt bình thản.

“Tóc anh mềm thật.” Cô kiên nhân vạch từng nét trên cánh tay tôi.

Tôi khẽ giật mình khi cảm nhận được bàn tay còn lại của cô luồn vào trong tóc. Cảm giác trên da khiến tôi khẽ rùng mình. Tôi quay lại nhìn cô. Ngay khi định mở miệng thì bắt gặp một nụ cười ấm áp.

“Đồ của cô đây.”

Tôi đưa cô mảnh giấy rồi chỉ lên bàn.

“Anh về luôn à?” Cô ngồi dậy, chỉnh tề hơn. Dường như khám phá ra một trò vui mới, cô không chịu dùng bút giấy mà tiếp tục viết trên cánh tay tôi. Khắp người truyền đi cảm giác bủn rủn, nhộn nhạo.

Tôi gật đầu, gặng đứng dậy nhưng đôi tay nhỏ đã giữ tôi lại. Bốn mắt nhìn nhau. Tôi đoán cô hiểu tôi muốn hỏi điều gì.

“Anh nói nốt đi. Chuyện lần trước… khi anh đã rời khỏi bàn…”

Tôi sững người trong giây lát. Vậy là linh cảm của tôi đã đúng. Cô rất hiểu tôi, và cô cũng biết lúc đó tôi dừng lại lẩm bẩm một mình. Ngập ngừng trong vài giây, tôi ngồi xuống dưới đất, trên chiếc thảm len.

“Chuyện gì cơ?”

“Anh lại giả ngơ.” Cô nhìn tôi đầy trách móc. “Anh đã nói gì, nói mau đi.” Cô lay vai tôi, vẻ như rất tò mò.

“Cám ơn.” Tôi viết.

“Cám ơn? Tại sao? Sao tự dưng lại cám ơn tôi?”

Đừng nhìn tôi nữa. Sắc đen kia cứ xoáy sâu vào trong tâm can như vậy thì làm sao tôi có thể bịa ra lí do và tiếp tục lời nói dối này?

“Là xin lỗi.”

“ Xin lỗi? Vì sao?” Cô nhíu mày. “Anh làm tôi rối quá.”

Lờ đi câu hỏi của cô, tôi thu hết can đảm, viết.

“Hai năm trước, kẻ gây ra tai nạn đó, kẻ đã làm cuộc đời cô thay đổi, cô có hậ”

Tôi chưa viết xong, cô đã giật bút của tôi. Sao lại không để tôi viết nốt? Có phải nói ra rồi, lòng tôi sẽ nhẹ nhõm hơn không…

Cô ác quá!

“Nếu nói không hận thì là nói dối. Nhưng sau đó bình tĩnh nghĩ lại, tôi thấy chẳng có gì để hận cả.” Lần này cô trả lời trên giấy. Ngừng lại vài giây, cô đợi phản ứng của tôi, còn tôi thì không còn đủ kiên nhẫn để chờ cô nói tiếp. Sắc mặt tôi lúc này hẳn rất tệ. “Thực sự, tôi nên cám ơn anh ta vì đã cho tôi cuộc sống này. Như một lần chết đi, thoát khỏi cuộc sống trước đây, và tái sinh.”

Sững lại vài giây. Não bộ tôi cần có thời gian để có thể hiểu được những gì cô đáng nói. Là thật hay đùa? Chắc là đang đùa rồi… là đang đùa thôi…

Không chấp nhận rằng lời điều mình nghe thấy là sự thật, tôi tiếp tục với những chất vấn:

“Nhưng hắn đã đâm phải cô!” Dòng chữ nguệch ngoạc hiện lên trên trang giấy.

“Kể cả vậy, anh ta đã không bỏ trốn. Anh ta đưa tôi vào viện.” Môi mấp máy muốn nói ra mà bất lực, cô vội vã nguệch ngoạc vài chữ, như đã chuẩn bị câu trả lời từ rất lâu. “Nếu là người khác, tôi đã chết rồi. Hơn nữa, đó rõ ràng là tai nạn ngoài ý muốn. Vì tránh khỏi đứa bé đột ngột lao xuống lòng đường nên mới đâm phải tôi.”

“Vì hắn mà cô không nghe được nữa!” Tôi vừa viết vừa gằn từng chữ. Vô ý hay cố tình thì cũng là tai nạn. Có ích gì chứ, dù lí do là gì thì cô…

-“Nhưng nhờ đó mà khả năng quan sát của tôi tốt hơn, và các tác phẩm của tôi đã đạt được tới thành công mà trước đây dù cố thế nào tôi cũng không thể.” Sự thản nhiên của cô chỉ khiến cảm xúc hỗn loạn trong tôi càng trở nên tồi tệ.

Tôi biết đó chỉ là cái cớ cô dựa vào để an ủi tôi.

“Hắn là một kẻ khốn nạn!” Tôi ấn bút thay cho sự tức giận không thể toát ra, từng chữ cái hằn rõ ở mặt sau. Không còn lí do rõ ràng, tôi quay sang những lời chửi rủa.

Lúc này, cô im lặng, nhìn tôi dò xét bằng con mắt của một nhà văn.

“Nếu anh ta khốn nạn vậy thì sẽ không đến bên tôi, ở trước mặt tôi, lại chăm sóc tôi từng chút một như thế.” Cô chậm rãi hạ bút, giống như đang dịu dàng nói những lời an ủi. “Ngày đó, khi lần đầu chính thức gặp mặt, anh nhìn tôi với đau đớn, hối hận, với tự trách. Tôi không quên được ánh mắt đó, đã nghĩ, phải có bao nhiêu dũng cảm mới có thể đối mặt được với sự thật nghiệt ngã đấy. Sau đó, anh lại dùng sự dịu dàng và ân cần từ từ bù đắp cho tôi. Trong hai năm, cha mẹ vừa tuyệt vọng, vừa thất vọng, bạn bè thì bỏ đi, tôi chỉ còn lại một mình, và anh.” Cô áp tay vào má tôi, lòng bàn tay ấm áp xua đi cái lạnh trong lòng. Ánh mắt tôi và cô giao nhau. “Tôi phải cám ơn tai nạn đó đã để tôi gặp được anh.”

Giọt nắng cuối của buổi chiều tà đọng lại giữa cô và tôi.

“Nên đừng tự trách mình nữa.” Cô cười dịu dàng.

Nước mắt cô đơn làm nhạt màu nắng đỏ.

Đã bao lâu kể từ lần cuối tôi được lướt trên những phím đàn đen trắng?

“Cô biết không”

Ngòi bút dừng lại trên giấy, rồi lại dịch chuyển, là những đường gạch ngang liên tiếp, lặp đi lặp lại tại một vị trí. Tôi gạch những chữ vừa viết đi, bắt đầu lại.

“Tôi không muốn điều này xảy ra nhưng”

“Cửa hàng sắp đóng cửa phải không?”

Cô giành lấy cây bút viết ra câu hỏi, trước khi tôi kịp giải thích thêm bất cứ điều gì. Đôi mắt trong nhìn thằng vào khoảng tường màu kem có vân hoa đằng sau lưng tôi. Tay tôi cứng lại, cũng như mọi giác quan trong cơ thể tôi đã ngừng hoạt động trong tích tắc đó. Duy chỉ có mắt là mở to hơn vì ngạc nhiên, như cô sau này kể lại với tôi.

– Làm sao cô biết? – Từng từ từng chữ bật ra thành tiếng, dù tôi biết cô không nghe thấy.

Không vội trả lời. Cô nhìn quanh, khóe môi khẽ nhếch lên tạo thành một nụ cười nhẹ, có chút gì trêu chọc.

“Vậy anh nói xem, hôm nay quán có bao nhiêu khách?”

Tới lúc này, tôi mới thực sự để ý cái quán mình quản lí. Không có nhiều người. Họ ngồi riêng lẻ ở từng góc. Trên tầng hai cũng vậy. Cũng phải thôi, sau khi nghe tin đấy thì tới đây làm gì nữa. Chỉ còn khách quen. Giống như cô ấy.

“Thông báo dán ngoài cửa anh tính để làm giấy dán tường à?” Dòng chữ trên trang giấy như đang cười nhạo tôi.

Tôi thở hắt, rồi nặn ra trên môi một nụ cười. Là tôi lo lắng quá rồi nên đầu óc không còn tỉnh táo nữa. Cứ lo không biết phải nói với cô thế nào trong khi bản thân quên mất cô là người rất giỏi quan sát.

“Vì sao?” Cô tỏ vẻ lơ đãng hỏi.

“Cha muốn tôi về công ty, qua Pháp tiếp quản chi nhánh.”

Tôi ảo não. Quán cà phê Juillet này lập ra sau vụ tai nạn hai năm trước. Lúc đó ông và tôi đã có một trận cãi nhau lớn. Vì chống đối ông tôi bỏ nhà, bỏ công ty rồi mở cửa Juillet. Giờ Juillet bị phá bỏ cũng bởi ông. Đưa mắt nhìn quanh nơi đã trở nên quen thuộc với mình trong mấy năm qua, tôi không ngăn được tiếng thở dài.

“Quán phải đóng. Nhà phải bán. Gấp thế không biết nhân viên đã tìm được chỗ làm mới chưa.”

Vừa đặt bút xuống, hai người đột ngột rơi vào một khoảng lặng. Không biết cô nghĩ gì, còn tôi thì đang lo lắng cho sau này. Mất đi ngôi nhà này, ra nước ngoài, tương lai gặp lại cô cũng khó. Cô sẽ đi tìm một nơi trú ngụ khác chăng? Nghĩ tới đây tôi không chịu được mà nhíu mày, lại bắt gặp ánh mắt khó hiểu của cô. Không thể giải thích, tôi chỉ lắc đầu.

“Sau này không được uống trà anh pha nữa rồi.” Cô kéo dài cuộc hội thoại, dường như muốn níu kéo một chút gì đó ở lần cuối gặp mặt này.

– Xin lỗi… – Tôi lầm bầm, đôi môi không còn giữ được nụ cười gượng gạo.

“Đền bù cho tôi đi.” Cô đọc khẩu hình của tôi mà tiếp lời. “Đàn cho tôi nghe.”

“Tôi không biết phải đánh bài nào.” Tôi viết câu trả lời gần như lập tức.

“Bài nào anh thích nhất.” Và cô cũng trả lời không chút ngập ngừng. “Bài nào cũng được. Một đoạn thôi cũng được.”

Cô năn nỉ còn tôi không nỡ để cô thất vọng vào lần cuối. Tôi không nhớ rõ mình đã chơi khúc đàn nào, cũng không thể lí giải tại sao có thể kết thúc nó một cách tương đối nhuần nhuyễn như vậy. Những gì tôi có thể gợi lại được là ánh mắt cô nhìn tôi chăm chú như muốn nuốt trọn từng thanh âm cô không thể nghe được và cất nó thật kĩ ở trong tim. Thời gian ngưng đọng vào khoảnh khắc ấy, hoặc do bản thân tôi đang cố níu kéo hiện tại. Nỗi sợ xâm chiếm suy nghĩ. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự thấy sợ mất đi một ai đó. Lớn lên cùng người cha chỉ biết lo tới công việc, gặp con trai thì một tiếng kì vọng, hai tiếng trách nhiệm, ý niệm về những mối quan hệ nghiêm túc chưa bao giờ chạm tới não bộ cho tới khi tôi gặp cô.

“Hứa với tôi.” Vào khoảng lặng cuối đoạn nhạc, cô bước tới từ phía sau, đầu ngón tay ấm áp di chuyển trên lưng tôi. “Anh sẽ tiếp tục chơi đàn. Đừng bỏ nó.”

Ngạc nhiên. Đấy là lần đầu tiên một ai đó nói với tôi đừng bỏ cuộc.

– Hứa với tôi. – Lần này cô nói. Những âm tiết không đủ tròn trĩnh vào tới tai tôi lại nghe như điệu nhạc nỉ non.

Gật đầu. Nếu cô đã nói vậy, tôi đồng ý.

Ngày đi, ở sân bay đông đúc, đối diện với cô, thế giới lại như chỉ có hai người. Vì sự xuất hiện bất ngờ của cô, giấy bút tôi không có sẵn bên người, cô cũng không có ý đưa ra. Tôi mấp máy môi định nói nhưng ý dào dạt trong đầu ra tới cửa miệng lại bị chặn lại. Vào lúc này, nói gì cũng không còn quan trọng nữa.

– Anh… bảo trọng. – Tôi đọc môi cô.

Tôi gật đầu, nói:

– Cô cũng vậy.

Đáp lại là một nụ cười dịu dàng. Đáy lòng lại như có sóng dâng trào. Cảm giác này từ trước đã có, mỗi ngày lại rõ ràng hơn một chút. Ấy là lo lắng, là hối hận, là quyến luyến, là rung động. Là yêu thương. Chuyến đi lần này biết bao giờ mới trở lại? Trước đây làm tổn thương cô, đền đáp còn chưa đủ đã phải chia tay. Nhưng còn hơn cả vậy, tình cảm bồi đắp bấy lâu nay có thể dứt bỏ được sao? Dồn nén cảm xúc lại, tôi nắm chặt tay kiềm chế bản thân. Hít một hơi thật sâu, cố vẽ ra nụ cười tươi nhất, tôi nhìn thẳng vào người con gái trước mặt:

– Không còn sớm nữa, tôi đi trước. – Từng chữ nói ra thật chậm, thật cẩn thận để cô có thể hiểu được. Cô gật đầu, tôi mới nói tiếp. – Có duyên sẽ gặp lại.

Không đợi xem phản ứng của cô, tôi vội xoay người bước đi để giấu khuôn mặt nhăn nhó của mình. Lần này nói tạm biệt, không chừng sẽ là vĩnh biệt.

Ngồi trong phòng chờ, khi tâm trạng vẫn còn ủ rũ, điện thoại tôi nhận được tin nhắn. Là cô.

“Tôi sẽ chăm sóc tốt Juillet.”

Tôi nhìn chằm chằm dòng chữ trước mặt, ngẩn người. Trong trí nhớ lờ mờ hiện ra hôm kí hợp đồng. Đó là một người phụ nữ trung niên ăn mặc theo lối thời trang văn phòng. Cô ta nói cô ta là luật sư, tới kí ủy thác. Lúc đó tôi tâm trạng tồi tệ, hợp đồng chỉ nhìn qua, cũng không nhớ rõ tên người mua là gì. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra, lập tức nhắn trả lời.

“Cô là người mua?”

“Ừ.”

“Tiền đâu?” Bởi vì quán nằm ở vị trí tốt, lại được trang bị nội thất đầy đủ nên được giao bán với giá rất cao.

“Tôi có thể không có tiền, nhưng những cuốn sách của tôi rất nổi tiếng. Tiền bán một hai quyển cũng đủ mua.”

Tôi bật cười. Sao có thể quên mất cô là nhà văn chứ, không kể tới điều kiện kinh tế của gia đình cô.

“Nên anh sẽ trở về chứ?”

“Nếu nơi này còn có một mái nhà để tôi trở về.”

“Tôi sẽ chờ.”

Cô nói cô sẽ chờ. Tôi không tin vào mắt mình, đọc đi đọc lại ba chữ ngắn ngủn đó. Sung sướng và hạnh phúc bao lấy trái tim tôi. Nơi đây, giờ đã có một mái nhà để tôi trở về.

Ngồi trên xe từ sân bay đến quán Juillet, người tài xế riêng của gia đình thấy cô chủ ngồi không yên, chốc chốc lại nhìn điện thoại rồi thở dài. Ông định lên tiếng hỏi xem có vấn đề gì nghiêm trọng không thì trong xe vang lên một đoạn nhạc nhỏ. Cô chủ vội vàng ấn máy, chăm chú nhìn vào màn hình. Liếc qua kính chiếu hậu, ông giật mình khi thấy cô đang cố ngăn đi những giọt nước mắt tràn qua khóe mắt.

Cô đọc một lần, lại một lần.

Anh viết.

“Giao Juillet cho em. Ở nhà đợi anh sớm trở về.”

.::Hết::.

Bình luận về bài viết này