RSS

Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Phần 3

26 Th3

Trích QUỐC VĂN GIÁO KHOA TOÀN THƯ – 1948

LÀM RUỘNG PHẢI MÙA (Ca dao)
(Bài học thuộc lòng)


Mùng tám tháng tư không mưa
Bỏ cả cày bừa mà lấp lúa đi
Bao giờ cho đến tháng mười
Lúa tốt bời bời nhà đủ người no.

Giải nghĩa: Mùng tám tháng tư: đây là nói ngày âm lịch, theo nề nếp canh tác ngày xưa, lúc lúa trổ đòng đòng cần có mưa để phát triển. Lấp: lấy đất phủ lên, ở đây có ý nói bỏ đi. Tháng mười: tháng mà lúa chín, gặt đem về nhà. Bời bời: rất nhiều, bề bộn.

CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI LÀM RUỘNG

Ở nhà quê, quanh năm ngày tháng, ai cũng chăm về việc cày cấy. Sớm tối lo làm ăn, hết công nọ đến việc kia, không mấy khi được nhàn hạ. Khi hạt giống đã gieo xuống đất đêm ngày mong được nắng, được mưa, cho cây mạ mọc lên, đem ra cấy vào ruộng. Ruộng cấy xong, nhưng công việc đã xong đâu. Còn phải bón phân, nhổ cỏ. Lỡ khi trời nắng khô khan, phải tát nước vào ruộng cho cây lúa được mạnh mẽ, thì rồi bông lúa hạt thóc mới được tốt đẹp. Đến khi lúa chín, gặt về, đập ra, phơi khô. Bây giờ mới chắc được thóc gạo mà ăn. Nghề làm ruộng khó nhọc như thế, cho nên phải cần mẫn mới được.

Giải nghĩa: Quanh năm ngày tháng: suốt ngày, suốt tháng trong năm. Nhàn hạ: thong thả, không phải làm lụng, lo lắng gì. Cần mẫn: siêng năng, chu đáo.

TRUYỆN NGƯỜI THỪA CUNG

Thừa Cung nhà nghèo mồ côi cha từ lúc hãy còn nhỏ. Khi mới lên tám, làm nghề chăn lợn (heo) để nuôi thân. Trong làng có ông Từ Tử Thịnh mở tràng dạy học, học trò xa gần đến học đông lắm. Thừa Cung mỗi khi chăn lợn qua tràng, thấy tiếng giảng sách, thì dừng lại nghe, trong lòng lấy làm vui lắm, muốn đi học. Sau anh ta xin đến ở nhà học để dọn dẹp, quét tước. Từ Tử Thịnh thấy Thừa Cung mặt mũi khôi ngô, thuận cho ở. Lúc rãnh việc, anh ta chỉ chăm chăm chúi chúi học hành. Được vài ba năm Thừa Cung thành một người học trò giỏi, có tiếng thời bấy giờ.

Nghèo mà chụi học như vậy, chẳng đáng khen lắm ru!

Giải nghĩa: Lợn (tiếng quen dùng miền Bắc) heo. Nuôi thân: kiếm cái ăn nuôi sống bản thân mình. Tràng (tiếng xưa) trường. Khôi ngô: sáng sủa, có vẻ thông minh. Rãnh việc: không có việc. Lắm ru!: (tiếng xưa) làm sao!

CHỮ NHO

Thời nội thuộc nước Tàu, có mấy ông thái thú Tàu sang cai trị nước ta, mở trường học và khuyến khích việc học chữ nho.

Đến khi nước Việt Nam đã lấy lại quyền tự chủ rồi, thì chữ ấy vẫn dùng để viết công văn như chỉ dụ, chế, sắc nhà vua, tờ sức, tờ bẩm của các quan, luật lệ, đơn từ và cả những giấy má việc tư nữa, như thư tín, khế ước, chúc thư, văn tế; chữ ấy vẫn dạy trong các trường học và dùng trong việc thi cử, còn tiếng ta thì không dùng đến. Chữ ấy các nhà văn sĩ ta phần nhiều cũng dùng để làm thơ văn, sách vở nữa.

Chữ nho ở bên nước ta không đọc như người Tàu đọc, lại đọc một cách riêng của ta và đã có lắm chữ thành hẳn tiếng ta rồi. Bởi vậy ta nay cũng phải học và biết ít nhiều để nói tiếng ta và viết văn ta cho thông.

Giải nghĩa: Chữ nho: chữ của người Trung Hoa được phổ biến ở nước ta và đọc theo lối riêng của ta, và còn gọi là chữ Hán vì được truyền chính thức từ đời nhà Hán sang cai trị nước ta. Nội thuộc nước Tàu: bị nước Tàu đô hộ. Khuyến khích: khuyên nhủ, thúc giục. Công văn: giấy tờ có tính cách chung, tức của triều đình. Chỉ dụ: mệnh lệnh nhà vua ban ra. Chế, sắc: những gì vua viết ra để phong thưởng tước phẩm cho các quan. Tờ sức: tờ tập hợp, kêu gọi. Thư tín: gọi chung các thư gởi. Khế ước: giấy giao kèo của hai bên. Chúc thư: lời người chết dặn lại. Văn tế: văn đọc trước quan tài hay nắm mồ người chết. Nhà văn sĩ: người dùng lời văn để viết các loại sách truyện. Ngày nay ta gọi là nhà văn, không có tiếng sĩ ở sau (nếu đã có tiếng “nhà”)

ÔNG VUA CÓ LÒNG THƯƠNG DÂN

Vua Thánh Tôn nhà Lý là một ông vua nhân từ, có lòng thương dân. Một năm, trời rét lắm, vua nghĩ đến những người tù phạm phải giam ở trong ngục, bèn bảo các quan rằng: “Trẫm ở trong cung, ăn mặc như thế này mà còn rét. Những kẻ nghèo khó, những tù nhân phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, thì khổ sở đến đâu?” Nói rồi truyền lấy chăn, chiếu phát cho tù. Lại có một hôm, đang buổi chầu, có công chúa đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy. Vậy từ nay về sau, tội gì cũng giảm bớt đi”.

Giải nghĩa: Nhân từ: có lòng thương người. Tù phạm: người có tôi lỗi bị nhốt giữ. Trẫm: tiếng nhà vua tự xưng. Cung: nơi vua ở. Chăn: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) mền. Buổi chầu: buổi tập hợp các quan ở chốn triều đình tâu báo các việc cho vua và nghe vua ra lệnh.


 
1 bình luận

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Tiếng Việt

 

Nhãn: ,

1 responses to “Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Phần 3

  1. Huynh Thị Kỳ

    Tháng Ba 13, 2013 at 9:15 sáng

    Lý Thánh Tôn ông vua nhân đức
    Lòng thương dân tiếng nức sử xanh
    Bữa kia vua dạo quanh thành
    Thấy một xác chết xám xanh mặt mày
    Áo quần rách che thây không đủ
    Dãi gió sương nằm rũ bên đường
    Ngậm ngùi vua động lòng thương
    Cởi ngay áo ngự Đắp choàng lên cho
    Gương nhân đức nghìn thu sáng tỏ
    Người đời nên lấy đó soi chung
    Giúp nhau những lúc khốn cùng
    Thương nhau như thể tình chung một nhà

     

Bình luận về bài viết này